Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Nhức nhối chuyện ‘xà xẻo’ tiền hỗ trợ lũ lụt của dân
09/06/2018 14:02:58
Cuối năm 2017, nhiều địa phương ở Thanh Hóa chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nhà nước đã cấp kinh phí về các địa phương để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tuy nhiên từ đây đã phát sinh nhiều tiêu cực.

“Xà xẻo” tiền hỗ trợ lũ lụt của dân

Trong năm 2017, các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa liên tiếp hứng chịu các đợt bão lũ gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, nhà nước đã có chủ trương cấp nguồn kinh phí về cho các địa phương để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, khắc phục thiệt hại.

Đầu năm 2018, các huyện bắt đầu tiến hành công tác chi trả tiền hỗ trợ cho dân căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng hộ gia đình đã được chính quyền địa phương khảo sát trước đó.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như người dân không liên tiếp tố cáo chính quyền cấp xã, thôn có hiện tượng ‘xà xẻo’, trích ngang, trích dọc số tiền hỗ trợ lũ lụt của dân.

Người dân hết sức bất bình vì việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân không khách quan

Mới đây, theo phản ánh của nhiều người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), xã Cẩm Bình, mặc dù có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ nhưng thực tế, số tiền đó không đến tay, hoặc có nhận được thì cũng chỉ là con số rất nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Tuấn Nam (thôn Sổ, xã Cẩm Bình) cho biết, mặc dù gia đình ông ở thôn Sổ nhưng lại được đưa vào danh sách nhận hỗ trợ ở thôn Săm với số tiền lên tới 38,7 triệu đồng. Trong khi đó, thôn Săm không có người tên Nam, nhưng trong phần ký nhận thì vẫn đầy đủ chữ kí.

“Gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt xảy ra từ ngày 9 đến 11/10/2017 và có tên trong danh sách lĩnh tiền của thôn Săm là 38,7 triệu đồng đã ký tên Nam. Nhưng tôi khẳng định, bản thân không ký và không được nhận số tiền này. Hiện tôi đã làm đơn tố cáo gửi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hoá”, ông Nam nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Vân cho hay, nhà ông bị tràn 2 ao cá với diện tích khoảng 1,5 sào (750m2) nhưng trong danh sách lại được ghi 3.200m2 (hơn 6 sào). Theo danh sách hỗ trợ thì gia đình ông được nhận 2,8 triệu đồng, tuy nhiên, thực tế chỉ được nhận 900 nghìn đồng.

“Tiền trong danh sách hơn 2,8 triệu đồng ai ký chứ tôi không được ký nhận bao giờ”, ông Vân bức xúc.

Theo lời ông Dương Văn Chiều, Bí thư chi bộ thôn Bình Hòa 1 cho hay, bản thân ông đã tìm hiểu và nhận thấy nhiều trường hợp được chi tiền hỗ trợ không đúng thực tế.

“Điển hình như trường hợp gia đình ông Trần Quốc Hiền có nuôi cá lồng nhưng đã bán hết cho ông Nguyễn Văn Thắng, trú cùng thôn trước khi trận lụt xảy ra, ông Thắng khẳng định điều này. Như vậy, chỉ có gia đình ông Thắng bị mất cá, trôi lồng nhưng gia đình ông Trần Quốc Hiền vẫn có tên trong danh sách nhận hỗ trợ, thậm chí số tiền nhiều gấp hơn hai lần so với gia đình ông Thắng”, ông Chiều nói.

Trong khi đó, có những hộ dân bị thiệt hại nặng lại không nhận được bất cứ hỗ trợ nào.

Trục lợi trên nỗi đau của người dân

Ông Phạm Trường Sinh cho biết, gia đình ông có diện tích có hơn 20.000m2 diện tích mía bị dập gốc, 6000m2 bị lũ quét không còn sản lượng, mất tới 40% tổng diện tích, những con số này đã được xã đo đạc cụ thể. Thế nhưng lại không nhận được đồng nào từ nguồn kinh phí hỗ trợ.

Ông Đặng Ngọc Đỉnh, Trưởng thôn Săm thừa nhận, danh sách 28 hộ nhận tiền hỗ trợ của thôn đều do ông lập và tự tay ký hết.

Theo lời ông Đỉnh, trước khi lấy được tiền hỗ trợ thì phải có danh sách ký nhận của nhân dân, nhưng đều do trưởng thôn ký.

“Sau khi lấy tiền về sẽ có danh sách khác để người dân ký nhận tiền. Cán bộ nông nghiệp gọi tôi lên xã, đưa danh sách đã đánh máy sẵn và đưa hai cái bút mực khác nhau bảo tôi ký thì tôi ký thôi. Tôi làm theo chỉ đạo của xã chứ thực tế gia đình tôi cũng chỉ được nhận có 200 nghìn đồng”, ông Đỉnh phân trần.

Tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương cũng xảy ra sự việc tương tự

Trao đổi về vụ việc, ông Đỗ Thanh Dung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: Xã được cấp kinh phí 786 triệu đồng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Quá trình lập hồ sơ, xã giao cho cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp tập hợp từ các thôn trình lên, sau đó xã thành lập đoàn kiểm tra trước khi trình lên huyện.

“Trước mắt, để khắc phục sai sót, ngày 12/4 vừa qua, UBND xã Cẩm Bình đã làm tờ trình xin hoàn trả kinh phí bị nhầm lẫn về huyện với tổng số tiền 94,4 triệu đồng”, ông Dung khẳng định.

Liên quan vụ việc, ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ xác nhận, UBND huyện đã có văn bản giao cho công an huyện làm rõ.

“Sau khi có kết quả, tùy theo tính chất mức độ, cơ quan chức năng sẽ xác định sai ở đâu, mức độ thế nào để xử lí. Số tiền không phải là ít, nhất là tiền của dân. Cái mất lớn nhất chính là mất niềm tin của nhân dân đối với người đang thực thi công vụ. Vì vậy, cần phải khắc phục bằng cách xác định lại tất cả hồ sơ, làm thật nghiêm minh”, ông Hoài nói.

Tại Thanh Hóa, tình trạng tiêu cực trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017 không còn là chuyện lạ. Đầu năm 2018, khi nhà nước cấp kinh phí về cho các địa phương, người dân ở nhiều xã đã liên tục tố lãnh đạo xã xin cắt “hoa hồng” từ số tiền hỗ trợ.

Điển hình như xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, xã này đã xin trích lại 15% số tiền người dân được nhận để lo tiền chè nước, xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa) xin cắt phí bảo vệ môi trường.

Mới đây nhất, tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nhiều hộ dân đã tố chủ tịch xã vòi vĩnh 10% hoa hồng từ số tiền hỗ trợ lũ lụt khiến người dân vô cùng bức xúc.

Mặc dù thanh tra huyện đã vào cuộc, thế nhưng sau 1 tháng làm việc, huyện Quảng Xương vẫn chưa có kết quả làm rõ vụ việc để trả lời cho người dân.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến