Xem video Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu du lịch Hải Tiến:
Doanh nghiệp không chấp hành chủ trương
Biển Hải Tiến là khu du lịch nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), có tiềm năng lớn về du lịch biển. Những năm gần đây khu du lịch này nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng, cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nhiều doanh nghiệp.
Trái với tốc độ phát triển, môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối khi rác thải, nước thải từ các nhà hàng, khách sạn ven biển Hải Tiến không được xử lý đúng quy trình, xả bừa bãi gây ô nhiễm nghiêm trọng và làm xấu đi hình ảnh của một bãi biển đang được kỳ vọng sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của xứ Thanh.
Những ao nước đen ngòm tại khu vực có bể chứa nước thải của Công ty Hải Tiến
Theo ghi nhận, tại thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, khu vực bãi đất trống phía sau các nhà hàng, khách sạn là những ao nước thải đen ngòm, cách đó không xa là bãi rác không được thu gom, xử lý, đang bốc mùi hôi thối.
Tình trạng ô nhiễm đã kéo dài không được xử lý dứt điểm đe dọa đến môi trường du lịch của Hải Tiến
Một người dân sống gần khu vực này cho biết: "Sau cơn mưa, nước dâng đến đâu thì nước thải bẩn cũng theo đó lan tràn ra khắp khu vực này, tạo thành những ao nước đen ngòm hôi thối như thế này. Nhà chúng tôi ở gần đây, mỗi lần gió biển thổi vào là mang theo mùi hôi đến nghẹt thở. Chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý chứ cứ đà này không những ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi mà cũng khiến cho du khách không dám đến Hải Tiến nữa".
Nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối
Từ năm 2012, khu du lịch biển Hải Tiến đi vào hoạt động do Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (sau đây gọi tắt là Công ty Hải Tiến) làm chủ đầu tư.
Những năm gần đây, khu du lịch có tốc độ phát triển nhanh, nhiều nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm, kéo theo đó là lượng chất thải trở nên quá tải. Trong khi đó, Công ty Hải Tiến lại không xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) cho hệ thống khách sạn, nhà hàng ở khu du lịch Hải Tiến khiến cho nước thải chảy tràn lan ra môi trường.
Khu vực ô nhiễm này chỉ cách bờ biển vài chục mét
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiệm, Phó trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hoằng Hóa thừa nhận, tình trạng chất thải gây ô nhiễm tại khu du lịch biển Hải Tiến là có thật.
Nguyên nhân là do Công ty Hải Tiến không chấp hành chủ trương, xây dựng hệ thống xả thải không đúng ĐTM, cơ quan chức năng hướng dẫn xây dựng theo quy chuẩn một đằng nhưng doanh nghiệp lại xây một nẻo để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Ông Tiệm cũng cho biết, các nhà hàng khách sạn ở khu du lịch đều cùng chung một hệ thống xử lý nước thải vậy nên vào mùa du lịch, hệ thống này trở nên quá tải, không đảm bảo được. Năm 2017, Công ty Hải Tiến cũng đã bị xử phạt 39 triệu đồng vì xả thải ra môi trường.
"Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần xuống cơ sở hướng dẫn, đôn đốc công ty chấp hành đúng chủ trương, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn, thế nhưng thú thực, với quyền hạn của chúng tôi, độ chấp hành của doanh nghiệp không cao", ông Tiệm nói.
Về bãi rác thải tại khu du lịch, ông Tiệm cho biết thêm, mặc dù có đơn vị thu gom rác ở địa phương theo hợp đồng nhưng các nhà hàng, khách sạn và cả người dân vẫn ra đổ trộm rác gây nên tình trạng ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền xã Hoằng Thanh lại không quản lý được.
Thoái thác trách nhiệm
Trao đổi với PV, bà Lê Bích Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cho rằng: "Hệ thống nước thải đúng là do công ty xây dựng nhưng hiện nay các lô đất trong dự án đều đã có chủ, có hàng trăm nhà hàng, khách sạn cùng đổ ra đó thì nó bị quá tải, không phải nước thải của mình khách sạn Ánh Phương".
Cũng theo bà Thắng, trước mắt, huyện có chủ trường xây dựng một hệ thống bể lắng quy mô lớn với 3 bể lắng cuối xã Hoằng Thanh đầu xã Hoằng Phụ với diện tích mỗi bể tầm khoảng 1ha thì sẽ đảm bảo xử lý được số nước thải của toàn bộ khu du lịch.
"Công ty chúng tôi cũng đã chấp hành theo quy định và làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường tại khu du lịch Hải Tiến rồi, không thể quy hết trách nhiệm cho chúng tôi được", bà Thắng nói.
Ở ngay phía sau các nhà hàng, khách sạn là bãi rác bẩn thỉu
Trước đó, tháng 8/2017, Sở TN&MT Thanh Hóa đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với công ty khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường với các biện pháp cụ thể như: Lấp ao chứa nước thải, xây dựng 3 bể chứa xử lý nước thải, sử dụng chế phẩm Enchoice, EM để phun khử mùi hôi, nạo vét khơi thông toàn bộ hệ thống mương thoát nước trong khu vực dự án, hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển rác…
Tuy nhiên trên thực tế, qua kiểm tra, ngày 31/7, Sở TN&MT Thanh Hóa kết luận: Công ty Hải Tiến chưa xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý nước thải theo như báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải tập trung của dự án gồm 3 bể xử lý (bể kỵ khí, bể hiếu khí, bể khử trùng), trong đó 2 bể (bể hiếu khí và bể khử trùng) bị ngập trong nước mưa, dẫn đến nước mưa và nước thải hòa lẫn; Nước thải của dự án sau khi được thu gom, xử lý chưa có đường thoát ra mương thoát nước của khu vực mà để tự thấm xuống đất trong khuôn viên dự án ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm trong khu vực.
Sở TN&MT cũng yêu cầu Công ty Hải Tiến khẩn trương khắc phục những tồn tại trên trong công tác bảo vệ môi trường.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy