Ông nhận định thế nào về thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm, thưa ông?
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD trong năm 2019, còn đồng nhân dân tệ mất giá rất mạnh tuần vừa qua, khả năng Việt Nam hạ lãi suất trong những tháng cuối năm là khó.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.
Dự đoán lãi suất VND có khả năng sẽ phải điều chỉnh tăng nếu tình hình lạm phát vượt ngưỡng trung bình 4% của cả năm, bên cạnh áp lực mất giá của tiền đông, những mức tăng sẽ nhẹ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra thông điệp là chấp nhận nâng lãi suất lên để tạo tính hấp dẫn cho VND, đồng thời giữ sự bình ổn cho thị trường.
Trên thực tế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian quan đã nhích lên, phản ánh cung cầu vốn trên thị trường. Tôi cho rằng, thông điệp trên của NHNN là rất quan trọng, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm. Hạ lãi suất là khả năng rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Về tăng trưởng tín dụng, với tình hình hiện tại, tôi cho rằng, sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 17% như đã đặt ra. Lý do là, một mặt, đối với doanh nghiệp tốt, các ngân hàng vẫn đang hỗ trợ tối đa.
Mặt khác, các ngân hàng đều phải lựa chọn rất kỹ doanh nghiệp để cho vay bởi room tăng trưởng bị hạn chế theo Chỉ thị 04 của Thống đốc NHNN.
Ngoài ra, các ngân hàng còn phải chuẩn bị cho tiến trình áp dụng Basel 2 nên tập trung đẩy mạnh thu từ phí và dịch vụ, thay vì tăng trưởng dư nợ cho vay.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại hối sẽ phải rất uyển chuyển nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá thêm. Theo tôi, nhiều khả năng lãi suất VND sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm để đảm bảo duy trì sức cạnh tranh.
Về tổng thể, thị trường tiền tệ sẽ không biến động nhiều từ nay đến cuối năm, nhưng xu hướng chung là lãi suất sẽ tăng nhẹ; tỷ giá phải chấp nhận sự điều chỉnh nếu các đồng tiền trong khu vực tiếp tục biến động và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% khó hoàn thành.
Thời gian qua, tuy chịu không ít tác động, nhưng Việt Nam vẫn ổn định hơn so với các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc…, những biến động trải qua không lớn và nằm trong ngưỡng chấp nhận được.
Thực tế, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà cả ngân hàng lớn cũng đã tăng lãi suất huy động. Liệu có phải thanh khoản hệ thống đang gặp vấn đề?
Hiện tại, thị trường không thiếu vốn, nhưng một số ngân hàng, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn do khách hàng đi gửi tiền giờ đây khác nhiều so với 10 năm trước.
Không còn câu chuyện ngân hàng nào cũng giống ngân hàng nào, mà chỉ những ngân hàng có uy tín, quản trị rủi ro tốt mới được tin tưởng. Đó là chưa kể khả năng tiếp cận thị trường liên ngân hàng của những ngân hàng nhỏ cũng rất hạn chế.
Nhìn chung, theo đánh giá của tôi, hệ thống sẽ không có vấn đề về thanh khoản, ngay cả khi thị trường ngoại hối biến động.
Tuy còn 3 tháng nữa mới hết năm 2018, nhưng trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số ngân hàng cho biết đã gần hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, nhưng lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tốt, ông bình luận gì về điều này?
Con số lợi nhuận của các ngân hàng từ đầu năm đến nay đã phản ánh một thực tế là không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao mới đạt được kết quả kinh doanh tốt.
Lợi nhuận mà các ngân hàng có được là do hầu như không có trích lập dự phòng mới, trong khi các khoản vay trước đây đã được trích lập xong.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã tập trung vào tăng doanh thu từ phí và dịch vụ để hạn chế việc quá phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Chẳng hạn, nhìn vào mảng bancasurrance sẽ thấy khá nhiều ngân hàng đặt mảng này là trọng tâm, qua đó nâng cao doanh thu từ việc ký hợp đồng phân phối độc quyền cho các công ty bảo hiểm.
Hay một số ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứ không giữ trên sổ sách, hoặc một số ngân hàng tập trung vào quản lý tiền tệ, thay vì tập trung cho vay...
Tuy vậy, nếu không tăng được vốn, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong các năm tới sẽ không thể tốt được như năm nay. Bài toán vốn vẫn là câu chuyện khó giải, theo ông?
Tôi cho rằng, các ngân hàng nước ngoài có thể sẽ không tham gia mua cổ phần của các ngân hàng trong nước. Một phần là do việc áp dụng Basel 3 của đa số các ngân hàng nước ngoài, bởi theo Basel 3, tỷ lệ sở hữu nhỏ sẽ không được tính vào vốn của ngân hàng.
Trên thực tế, chúng ta chưa thấy định hướng của Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng, trừ các ngân hàng nhỏ và yếu kém. Do vậy, theo xu hướng hiện tại, các quỹ đầu tư đang và sẽ là người chơi chính trong cuộc chơi này.
Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, khả thi nhất là cho giữ một phần lợi nhuận bổ sung nguồn vốn để có thể tăng trưởng.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, nhờ nền tảng đã được chuẩn hóa, bài toán tăng vốn sẽ dễ hơn vì nhu cầu của các quỹ đầu tư lớn nước ngoài vẫn muốn vào Việt Nam. Bởi khi rót vốn vào các ngân hàng lớn, nhà đầu tư sẽ tận dụng được tối đa lợi thế của thị trường so với những ngân hàng nhỏ.
Huy động thêm vốn là bài toán rất cấp bách mà các ngân hàng phải giải quyết sớm, nếu không sẽ khó có thể tăng trưởng tín dụng. Với các ngân hàng nhỏ, việc huy động vốn sẽ gặp rất nhiều khăn.
Do đó, nhóm ngân hàng này nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận: Hoặc là sáp nhập với ngân hàng lớn hơn để cùng phát triển, hoặc là đóng cửa. Thời gian tới, "sân chơi" Basel 2 sẽ khó hơn nhiều khi chi phí vốn tăng cao, mà cho vay những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ đòi hỏi nguồn vốn lớn - không phải là thế mạnh của những ngân hàng nhỏ. Do đó, bài toán vốn là áp lực tốt để loại bớt những ngân hàng không theo được cuộc chơi.
Nhìn tổng thể, ông đánh thế nào về bức tranh ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm?
Tôi cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng vẫn rất tốt, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề được đặt ra: thứ nhất, tác động của tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian vừa qua chỉ có thể thấy sau khoảng vài năm nữa và tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô; thứ hai, dư nợ cho vay cơ sở hạ tầng và bất động sản hiện nay vẫn là một ẩn số.
Số liệu báo cáo cho thấy, dư nợ bất động sản có xu hướng giảm, nhưng con số này vẫn cần được làm rõ. Nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô giảm tốc đột ngột hay NHNN phải tăng nhanh lãi suất, các ngân hàng có dư nợ lớn trong lĩnh vực này sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy