Dòng sự kiện:
Thanh khoản HoSE giảm 16% sau áp dụng T+2,5
04/10/2022 17:45:31
Mặc dù được kỳ vọng giúp quay vòng vốn nhanh hơn, biến động xấu của thị trường khiến thanh khoản HoSE giảm mạnh trong tháng 9 sau áp dụng cơ chế mới.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thanh khoản trên sàn này chỉ đạt 13.396 tỷ đồng (tương ứng hơn 527 triệu cổ phiếu) trong tháng 9, giảm 14% về giá trị bình quân và 16% về khối lượng bình quân so với tháng trước.

Đây là mức thanh khoản thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ sau giai đoạn tháng 7. Thậm chí xuất hiện nhiều phiên khớp lệnh rơi xuống dưới 10.000 tỷ đồng, con số thấp hiếm thấy ngay trước khi áp dụng.

Điều này trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc thị trường sẽ sôi động trở lại sau khi áp dụng T+2 (từ ngày 29/8). Giới chuyên gia cũng kỳ vọng quy chế mới sẽ làm tăng thanh khoản của thị trường và làm tăng vòng quay vốn.

Chuyên gia SSI Research từng nhận định thị trường cần vài tháng để làm quen với cơ chế này. Sau đó, thanh khoản bình quân các tháng tiếp theo có thể tăng khoảng 10%, nhưng điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh thị trường khi mà nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 90% giá trị giao dịch tại Việt Nam.

Việc thanh khoản teo tóp cũng phải nhắc đến yếu tố thị trường bởi dòng tiền ảm đạm sau những biến động tiêu cực trên thị trường tài chính quốc và làn sóng tăng lãi suất điều hành.

VNIndex trong tháng 9 gặp áp lực bán tháo mạnh mẽ giảm hơn 11,59% xuống còn 1.132,11 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay. Đây cũng là mức giảm mạnh thứ 3 từng ghi nhận vào các tháng 9, sau các đợt lao dốc tháng 9/2001 và 9/2008.

Một số ngành ghi nhận mức giảm được thể hiện tại các chỉ số ngành công nghiệp (VNIND) giảm 14,52%; ngành tài chính (VNFIN) giảm 13,26%; ngành năng lượng (VNENE) giảm 12,31%.

Mức giảm khốc liệt trên đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.

Giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Khối lượng bình quân đạt hơn 28 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân trên 14 tỷ đồng; tương ứng giảm 12% về khối lượng bình quân và 31% về giá trị bình quân so với tháng liền trước.

Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 37.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.623 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/9, sàn niêm yết lớn nhất có quy mô 577 mã chứng khoán niêm yết trong đó gồm: 400 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 10 mã chứng chỉ quỹ ETF, 162 mã chứng quyền có bảo đảm và 02 mã trái phiếu. Tổng khối lượng đang niêm yết đạt trên 136 tỷ cổ phiếu.

Đà lao dốc khiến quy mô vốn hóa các doanh nghiệp cũng rơi sốc. Sàn này chỉ còn 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn một tỷ USD (tháng 8 vẫn còn 45 doanh nghiệp tỷ đô) và duy nhất một đơn vị giữ được quy mô trên 10 tỷ USD là Vietcombank.

Trong khi đó các doanh nghiệp tiếp theo là Vingroup, Vinhomes và PV Gas đều bị suy giảm mạnh nhưng vẫn đạt trên 200.000 tỷ đồng. Những cái tên rơi khỏi danh sách tỷ đô bao gồm VNDirect, LienVietPostBank, OCB, Khang Điền, Viglacera, Kinh Bắc City.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến