Theo chuyên gia, bất động sản mua đắt thì cho thuê cũng sẽ phải đắt (Ảnh minh họa: N.Mạnh).
Bỏ cả trăm triệu đồng mỗi tháng thuê mặt bằng, bán gì cho lãi?
Chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) đang có nhu cầu kinh doanh đồ Nhật, chủ yếu là các mặt hàng gia dụng và mỹ phẩm, đồ trẻ em nhưng vẫn chưa chốt được mặt bằng sau vài tháng tìm kiếm, hỏi han. Chị kể ưng một căn shophouse trên trục đường Tố Hữu nhưng giá lại khoảng 100 triệu đồng/tháng. Không kham được, chị đành chuyển hướng sang mặt bằng truyền thống với mức giá nhẹ nhàng hơn.
"Nếu thuê được ở khu vực này, tôi tính toán sẽ tiện nhiều thứ. Nhưng với mức thuê ấy, tôi nghĩ dù có rất đông khách cũng không lãi nổi ngần ấy để trả tiền thuê nhà. Kể cả họ có bớt cho mình vài triệu thì vẫn cao", chị Minh tâm sự.
Trong khi đó, anh Minh Tuấn lại phải rục rịch tìm mặt bằng để chuyển cửa hàng đang kinh doanh sinh vật cảnh ở đường Láng (Hà Nội). Dịch khó khăn, nhu cầu giải trí thư giãn với vật nuôi cũng sụt mạnh nên việc kinh doanh của anh cũng không tốt như trước. Thế nhưng chủ nhà đã không bớt lại còn tăng giá lên khoảng 2 triệu đồng từ năm tới. Anh quyết định chuyển chỗ khác với chi phí hợp lý hơn. Anh chia sẻ, chủ nhà lý giải, giá bất động sản vừa qua sốt nóng, giá trị căn nhà theo đó cũng tăng nên mức thuê đương nhiên phải tăng.
Thực tế thời gian qua, không ít người buôn bán "méo mặt" khi kinh doanh vẫn ế ẩm nhưng chủ nhà đã đòi tăng lại tiền cho thuê sau khi giảm, thậm chí còn muốn tăng thêm tiền cho thuê.
Dù hiện nay đã chuyển qua giai đoạn thích ứng an toàn với Covid-19, các hoạt động kinh tế đang hồi phục trở lại, người dân ra đường nhiều hơn. Song qua khảo sát, nhiều tuyến phố "ăn chơi", mua sắm vẫn còn khá đìu hiu.
Nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn đóng cửa, la liệt bảng cho thuê mặt bằng. Mặc dù vậy mức giảm không như kỳ vọng của nhiều người. Thậm chí nhiều nơi còn giữ giá hoặc tăng giá.
Giá bán cao, đẩy giá cho thuê lên cao
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đẩy giá mặt bằng lên cao đó là giá bán bất động sản cao. Giá mua vào cao thì chủ sở hữu sau đó chắc chắn phải lấy giá cho thuê cao.
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua giá bất động sản tăng cao nhanh chóng một cách bất thường chính là sự tích tụ "bong bóng".
Một vấn đề quan trọng, theo ông Võ, khi giá cứ cao như vậy, việc tiếp cận sử dụng đất sau đó của người muốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê quá cao. Mua đắt thì cho thuê cũng phải đắt.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình cho rằng, mua giá cao thì dẫn đến việc cho thuê đắt đó. Giá bất động sản cứ tăng cao "chóng mặt" như vậy lâu dài rất ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Riêng với shophouse, ông Thịnh cho rằng ở Hà Nội xuất hiện những mức giá bán rất cao, vài trăm triệu đồng/m2 trong khi khu vực đó còn thưa thớt. "Bán rất khó khăn, cho thuê cũng khó nhưng lạ ở chỗ vẫn cứ đòi tăng giá", ông Thịnh nói với Dân trí.
Một điều đáng lo ngại là thị trường bất động sản lại "nóng" trở lại với những mức giá gây choáng. Nhiều nơi sốt đất trở lại với mức giá tăng gấp đôi hồi đầu năm. Trong khi đó suốt gần 2 năm Covid-19, giá bất động sản đã không ngừng tăng.
Một kỷ lục trên thị trường bất động sản cả nước vừa được xác lập - ông chủ Tân Hoàng Minh bạo tay trả 2,44 tỷ đồng cho mỗi m2 đất ở Thủ Thiêm - đánh dấu một sự kiện gây xôn xao và cũng phần nào minh chứng cho sức "nóng" vô cùng lớn của thị trường tài sản này.
Còn tại Hà Nội, một dự án bán 300 triệu đồng/m2 shophouse cũng lập kỷ lục về giá. Chuyên gia cho biết đây là lần đầu tiên các khu vực vùng ven Hà Nội có giá cao hơn dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2, vành đai 3.
Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có quyền trả giá, mua bán đấu giá trên cơ sở tính toán mức đầu tư lợi nhuận... Nhưng nếu không đúng thực chất, có thể tạo ra mặt bằng giá cho các dự án của họ ở xung quanh, gây các hệ lụy về giá.
Vị chuyên gia lo ngại, kết quả đấu giá đất này sẽ là "cú sốc" cho thị trường bất động sản. Ngay sau kết quả đấu giá đất này chắc chắn giá đất sẽ xảy ra hiệu ứng "tát nước theo mưa", khiến cho thị trường thêm "ảo giá", "ngáo giá"... Việc tăng giá bất động sản bất hợp lý, bất thường sẽ ảnh hưởng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Tiến độ Ruby park Long Biên
- villa park
- Dự án Bcons Bình Dương
- Gem park
- Dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy