Dòng sự kiện:
Tháo gỡ nút thắt về thuế, phí để phát triển TTCK phái sinh như thế nào?
15/01/2019 12:00:08
Chính phủ mong muốn đẩy mạnh sự phát triển của TTCK trong năm 2019. Tuy nhiên, thuế, phí đối với giao dịch chứng khoán phái sinh được xác định là một trong những nút thắt đối với sự phát triển của thị trường này.

Sự ra đời thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2017 được xem là một bước phát triển mang tính đột phá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã đạt được những bước tăng trưởng rất tốt, khối lượng giao dịch bình quân 2018 đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với bình quân năm 2017. Đặc biệt, thị trường chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ đắc lực để các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro.

Trong Nghị quyết 01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, lần đầu tiên Chính phủ đưa ra định hướng: Ðẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, bên cạnh một số định hướng lớn khác về phát triển TTCK trong năm nay như đẩy mạnh phát triển TTCK, triển khai Ðề án cơ cấu lại TTCK, đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới…

Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, một trong những yếu tố được coi là nút thắt trong việc đẩy mạnh phát triển hơn nữa sản phẩm tài chính này là chưa có cơ chế khuyến khích về phí, thuế như cách các thị trường quốc tế đã triển khai trong giai đoạn phát triển thị trường chứng khoán phái sinh ban đầu.

Trong giai đoạn đầu khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, Sở giao dịch chứng khoán HNX hiện vẫn miễn phí giao dịch sản phẩm này cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư chỉ bị áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần khi phát sinh giao dịch mua, bán và đáo hạn hợp đồng tương lai.

Về phía các công ty chứng khoán, đã xuất hiện một vài công ty miễn phí giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Đặc biệt, Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đã tiên phong miễn phí giao dịch phái sinh dài hạn cho khách hàng kể từ ngày 10/10/2018.

Như vậy, một phần nút thắt về phí, thuế đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán phải sinh đã được phía doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán tháo gỡ. Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách.  

 

 

 

Theo quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 17/12/2018 Quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ý chứng khoán Việt Nam, đối với thị trường chứng khoán phái sinh thì giá dịch vụ áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán đối với hợp đồng tương lai chỉ số là 3.000 đồng/hợp đồng, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là 5.000 đồng/hợp đồng.

Ngoài ra, tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, giá dịch vụ quản lý vị thế là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày còn giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 2 triệu đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng/tài khoản/tháng).

Kinh nghiệm quốc tế    

Nếu so với giai đoạn đầu phát triển thị trường chứng khoán phái sinh của các quốc gia và vùng lãnh thổ có TTCK phát triển hiện nay như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… mức thuế suất 0,1% mà Việt Nam áp dụng hiện nay là khá cao xét trên khía cạnh khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường này. Hãy cùng xem xét những ví dụ dưới đây.  

Một thời gian ngắn sau khi ra đời năm 1996, tại thị trường tài chính Hàn Quốc, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn chỉ số KOSPI 200 đã rất thành công với giá trị giao dịch liên tục ở mức cao trong top đầu thế giới trong nhiều năm liền, đưa Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Hàn Quốc trở thành một trong những SGDCK thành công nhất thế giới trong việc phát triển sản phẩm phái sinh trên chỉ số chứng khoán.

Sở dĩ có được sự thành công như vậy là do ngay từ những ngày đầu phát triển sản phẩm phái sinh này, Hàn Quốc đã miễn hoàn toàn thuế giao dịch (transaction tax) cũng như thuế thu nhập (capital gains tax). Mãi cho tới năm 2016, Chính phủ nước này mới bắt đầu áp thuế lên giá trị giao dịch của hợp đồng tương lai chỉ số KOSPI 200, tuy nhiên mức thuế được áp dụng chỉ ở mức 0,001% trên giá trị giao dịch.

Tại thị trường Thái Lan, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu SET50 ra đời năm 2008 và cũng phát triển rất nhanh sau đó. Từ đó đến nay, Thái Lan đã miễn thuế giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số SET50 cho tất cả các khách hàng cá nhân và chỉ đánh thuế trên thặng dư vốn đối với các khách hàng tổ chức nước ngoài, tùy thuộc vào quốc tịch của nhà đầu tư.

Rất nhiều quốc gia khác cũng thực hiện việc miễn thuế ở giai đoạn đầu khi sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu đi vào vận hành.

Thống kê dưới đây của Hiệp hội thị trường vốn Hàn Quốc tại thời điểm 2012 cho thấy, không nhiều quốc gia áp thuế lên giá trị chuyển nhượng/giao dịch hợp đồng tương lai. Các quốc gia áp thuế lên khoản lãi từ đầu tư hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chủ yếu là các nước như Mỹ, châu Âu khi mà mức thuế thu nhập cá nhân trung bình của các nước này ở mức rất cao so với các nước châu Á.

.

Đài Loan có lẽ là thị trường có sự tương đồng nhất với Việt Nam về chính sách thuế cho giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu từ khi sản phẩm tài chính này được giới thiệu ra thị trường. Đi vào giao dịch từ năm 1998, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu của Đài Loan thuở đầu có thuế giao dịch rất cao, lên tới 0,5% giá trị giao dịch.

Tuy nhiên sau đó, để trở nên cạnh tranh hơn với thị trường Singapore trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Đài Loan đã liên tục giảm mạnh thuế giao dịch với sản phẩm phái sinh trên, năm 2000 giảm 1 nửa còn 0,25%, từ năm 2006 tiếp tục giảm mạnh và đến năm 2013 chỉ còn 0,004%.

Cuối năm 2018, chính quyền Đài Loan quyết định tiếp tục giảm thuế giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chỉ còn 0,002%. Đây là những quyết định nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh, cho thấy tầm quan trọng của công cụ này trên thị trường vốn.

Tóm lại, để gỡ nút thắt phí, thuế cho thị trường chứng khoán phái sinh phát triển theo định hướng và mong muốn của Chính phủ, rất cần xem xét lại mức thuế đối với giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến