Dòng sự kiện:
Thấp thỏm chờ điện tăng giá
10/03/2019 17:10:07
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đầu tuần này cho hay dự kiến giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành ngay từ cuối tháng 3 này.

Dù Bộ Công Thương khẳng định phương án đưa ra dựa trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, song nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thẩm định, kiểm tra cẩn trọng, đảm bảo công khai, minh bạch với lộ trình phù hợp. 

Giá điện dự kiến sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành.

Yếu tố đầu vào "leo thang"

Theo phương án tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra, giá điện dự kiến tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên khoảng 1.864,44 đồng/kWh. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 30/3 tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nêu rõ: "Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh tăng giá điện 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nhưng cần có sự chấp thuận về mặt chủ trương của Thủ tướng”. 

Về cơ sở để đưa ra đề xuất tăng giá điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, những năm gần đây, tốc độ triển khai các dự án lớn, nhất là dự án điện than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam… bị chậm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng trung bình trên 10%, ngành điện đã huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than. Bởi vậy, giá điện chịu tác động lớn khi giá dầu, khí tăng. 

Đại diện Bộ Công Thương nêu rõ thêm: Các yếu tố đầu vào của giá điện 2019 như giá than nội địa tăng bình quân 5%, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng; giá than pha trộn giữa than NK với than sản xuất trong nước từ ngày 16/1 có giá cao hơn giá than nội địa, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 1.921 tỷ đồng... Ngoài ra, từ ngày 1/1/2019, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế Bảo vệ môi trường, mức thuế này đối với than và dầu tăng thêm làm chi phí mua điện đội lên khoảng 450 tỷ đồng. 

Bộ Công Thương thông tin thêm: Trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các phân bổ một phần các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được đưa vào giá điện.

Cần minh bạch, phù hợp

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá: Việc tăng giá điện theo phương án dự kiến của Bộ Công Thương sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động của DN. Cụ thể, DN sẽ phải tăng chi phí sản xuất, từ đó tạo áp lực lên giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của DN Việt hiện nay chưa cao, nếu điện tăng giá ở mức chưa hợp lý sẽ tạo gánh nặng lên chi phí đầu vào. Điều này càng thể hiện rõ nét với những ngành sử dụng điện lớn như xi măng, sắt thép... 

Đứng từ góc độ DN, đại diện lãnh đạo một đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ ở Hà Nội cho hay: DN chủ yếu sản xuất đồ gỗ nội thất phục vụ thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. DN có xưởng sản xuất hoạt động hàng ngày với lượng tiêu thụ điện khá nhiều. Giá điện  tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến giá sản phẩm của DN. Khi giá điện được điều chỉnh tăng lên như dự kiến, để duy trì sức cạnh tranh, trước mắt, DN sẽ phải "thắt lưng buộc bụng", cố gắng cắt giảm các chi phí khác để bù đắp giá điện. Trong tương lai, DN mới có thể tính toán từng bước tăng giá bán sản phẩm. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Phí Ngọc Trịnh-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm cho hay: Ngoài chi phí nhân công, điện cũng là một trong những cấu thành ảnh hưởng đến tổng chi phí DN phải bỏ ra. DN may sử dụng nhiều máy móc liên quan đến điện. Trong khi DN đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, giá điện tăng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các DN. "Đặc biệt, hiện nay, giá thành sản phẩm trên thế giới đang giảm. Việc tăng giá điện thời điểm này cần phải tính toán kỹ và có lộ trình cụ thể làm sao cho phù hợp với thực tế", ông Trịnh nói.

Trong câu chuyện điện tăng giá, theo ông Long cũng cần phải nhìn hai mặt vấn đề. Bởi thời gian quá lâu không tăng giá sẽ gây ra những tiêu cực, khiến DN sản xuất điện gặp khó khăn. Trên cơ sở phân tích như trên, ông Long nhấn mạnh: Việc giá điện dự kiến tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, dù Bộ Công Thương khẳng định đã tính toán kỹ nhưng cần phải có thẩm định, kiểm tra để tăng sức thuyết phục. “Liệu những chi phí sản xuất được tính toán làm cơ sở tăng giá điện đã hợp lý chưa? Chi phí phát sinh do năng suất lao động thấp đã được loại bỏ khi tính toán giá thành? Chi phí sản xuất  điện được khẳng định tăng nhưng tăng cụ thể như thế nào có được làm rõ?”, ông Long nêu một loạt câu hỏi.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin thêm: “Các đợt tăng giá điện trước đây thường là 6% trở lên. Lần điều chỉnh gần nhất năm 2017 tăng 6,8%; trước đó, năm 2011 đã tăng hơn 15%. Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào thì giá điện lần này có thể tăng gần 10%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã cân đối các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất mức tăng là 8,36%".

Theo Bộ Công Thương: Trên cơ sở các phương án giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số giá sản xuất (PPI) và GDP. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất tiêu thụ điện năng lớn như sắt, thép, xi măng; tác động đến hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân. 

Theo Bộ Công Thương: Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 (nguồn https://www.statista.com/statistics/263492/electricity-prices-in-selected-countries/) bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Camphuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì, giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê. So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia.

Nếu giá điện lần này được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 5/3/2019). Mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến