Thất thu 21.000 tỉ đồng mỗi năm từ khai khoáng
14/09/2016 18:19:19
Theo một nghiên cứu mức độ thất thu trong khai thác tài nguyên ở Việt Nam chiếm 5-25% GDP, tổng thất thu từ khai thác khoáng sản và dầu khí ở Việt Nam ước khoảng 21.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tin liên quan

Khai thác đá hoa trắng tại Yên Bái. Ảnh: Vietnam+

Năm 2007, Việt Nam tiếp cận EITI- sáng kiến quốc tế được coi là công cụ tăng minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, giảm thất thoát ngành khai khoáng mà nhiều quốc gia áp dụng thành công. Sau 9 năm, Việt Nam vẫn chưa tham gia sáng kiến này. Vì sao Bộ Công thương, đơn vị được giao trách nhiệm xem xét thực thi EITI vẫn chần chừ?

Ngành khai khoáng phải “đi đêm” nhiều nhất

Tại Tọa đàm Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) sáng qua, bà Trần Thanh Thủy, đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam chia sẻ, EITI mang lại lợi ích lớn cho nước tham gia qua sự minh bạch. Ở Nigeria, nhờ EITI, Chính phủ xác định 560 triệu USD cần truy thu từ dầu khí, tiết kiệm được một tỷ USD ngân sách hàng năm. Quốc gia hàng xóm Philippines, thông qua báo cáo EITI đã nhìn thấy số tiền hơn 2,8 tỷ peso thất thu hàng năm để đề xuất biện pháp giảm thất thu.

Theo TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế của Phòng thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tham gia EITI, doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam sẽ giảm được chi phí “đi đêm”. Nghiên cứu của VCCI cho thấy, chi phí “đi đêm” của doanh nghiệp khai khoáng là 72-78% tổng chi phí để được cấp phép, cao hơn hẳn các ngành khác. Doanh nghiệp khai khoáng hiện nay có nhiều cách thức trốn thuế và tránh thuế như khai báo sản lượng thấp hơn thực tế, thiết lập giá bán thấp hơn thực tế, chuyển giá.

Theo một nghiên cứu mức độ thất thu trong khai thác tài nguyên ở Việt Nam chiếm 5-25% GDP, tổng thất thu từ khai thác khoáng sản và dầu khí ở Việt Nam ước khoảng 21.000 tỷ đồng mỗi năm.

Gia nhập EITI cũng giúp môi trường đầu tư lành mạnh hơn. Ông Tuấn cho biết , nhà đầu tư từ các nước phát triển thích khái niệm minh bạch, hệ thống vận hành minh bạch, trong khi một số  nhà đầu tư từ châu Á thích cơ chế tù mù như hiện nay.

“Việt Nam chọn gì, nhà đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại hay công ty mạnh tay trong việc chi trả không chính thức”, ông Tuấn nói.

Nhiều lợi ích khác cũng được các chuyên gia đề cập. Bà Trần Thanh Thủy chia sẻ, trong hội thảo trước về EITI, đại diện Bộ Công Thương nói rằng, đồng ý minh bạch là cần thiết nhưng có nhất thiết phải tham gia EITI không? “Chúng tôi trả lời, vậy chúng ta minh bạch như nào, trong chính sách pháp lý có nhiều quy định về công khai thông tin nhưng thực thi yếu nên chúng ta thực sự cần một công cụ mạnh”, bà Trần Thanh Thủy nói.

Việc tham gia EITI có tốn kém về kinh phí, khó khăn về kỹ thuật, có vi phạm vào bí mật nhà nước hay không? Theo ông Đậu Anh Tuấn, Mông Cổ vận hành ủy ban EITI chỉ mất hơn 4 tỷ đồng một năm. Việt Nam cũng cỡ 3-4 tỷ đồng một năm, chưa bằng chi phí một đoàn đi học tập kinh nghiệm quản lý khai khoáng. Kinh phí này thậm chí có thể kêu gọi tài trợ từ tổ chức quốc tế.

Ông Tuấn cũng cho biết, tham gia EITI không vi phạm bí mật nhà nước, năng lực của doanh nghiệp cũng đáp ứng được. Với quy định pháp luật hiện tại, các vấn đề kỹ thuật đều giải quyết được.

Vì sao chần chừ 9 năm?

Lợi ích lớn, chi phí thấp, điều kiện kỹ thuật giải quyết được, vậy sao 9 năm trời Việt Nam vẫn chưa đề xuất tham gia EITI, trong Myanmar chỉ mất 2 năm để tham gia, nhiều quốc gia ASEAN khác đã áp dụng?

Theo Liên minh khoáng sản, Việt Nam tiếp cận EITI từ 2007, Bộ Công Thương được Chính phủ giao là đơn vị đầu mối xem xét thực thi EITI. Tuy nhiên, 9 năm qua, việc xem xét gia nhập EITI vẫn dậm chân tại chỗ. Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc  hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, đề án thực thi EITI đã được đưa vào kế hoạch thực hiện cho năm 2016.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phải báo cáo về việc thực thi EITI trong tháng 8/2016.

TS Đậu Anh Tuấn cho rằng, trở ngại lớn nhất là mức độ cam kết về minh bạch, công khai. EITI  tạo ra lợi chung nhưng có thể gây thiệt hại cho một vài người, một vài nhóm lợi ích. TS Đậu Anh Tuấn cũng đặt vấn đề, Việt Nam có chọn nhầm đơn vị đầu mối hay không? “Bộ Công thương được giao làm đầu mối nhưng bộ này cũng quản lý các doanh nghiệp lớn về khoáng sản nên chần chừ?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Theo TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, về pháp lý hiện nay không có rào cản. Rào cản lớn nhất là lợi ích nhóm. Còn tù mù thì một số người còn được hưởng lợi. Chính những người ấy tìm cách cản trở, làm chậm quá trình này..

53 quốc gia đã tham gia EITI

Theo số liệu mới nhất, đến nay có 53 quốc gia tham gia EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Nauy, gần Việt Nam có Đông Timor, Philippines, Indonesia, Myanmar. Hơn 80 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, hơn 90 tổ chức tài chính và hơn 400 tổ chức xã hội dân sự trên thế giới ủng hộ và tham gia EITI.

Theo Tiền phong  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến