Tổng Công ty Idico – CTCP (HoSE: IDC) kết thúc quý III/2023 với khoản nợ phải trả “phình to” và vốn chủ sở hữu thu hẹp lại.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp gần như đi ngang so với đầu năm, đạt 16.898 tỷ đồng. Trong đó có tới 5.372 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, đây là khoản tiền cho thuê đất, phí quản lý và sử dụng hạ tầng nhận trước tại các khu công nghiệp.
Chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện nằm tại dự án khu công nghiệp Phú Mỹ 2 mở rộng (1.571 tỷ đồng), Phú Mỹ 2 (1.389 tỷ đồng), Võ Quế 2 (741 tỷ đồng)… Hàng tồn kho của công ty không có nhiều biến động so với đầu năm, đa phần vẫn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và hàng hoá bất động sản.
Đáng chú ý, Idico mới phát sinh thêm khoản đặt cọc hơn 314 tỷ đồng để nhận dự án theo Nghị quyết của HĐQT hồi tháng 5/2023 về việc thông qua chủ trương đầu tư kinh doanh dự án tại TP Thủ Đức, Tp. HCM khiến các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng 80% lên 1.585 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, nợ phải trả của Idico ghi nhận hơn 11.287 tỷ đồng, tăng hơn 402 tỷ đồng với đầu năm, chiếm 66% tổng tài sản và cao gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Trong đó, khoản mục phải trả ngắn hạn khác ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất, gấp gần 4 lần so với đầu kỳ, đạt hơn 1.021 tỷ đồng. Thuyết minh về khoản này, công ty cho biết có hơn 764 tỷ đồng phải chi trả cổ tức, lợi nhuận cho cổ đông.
Bên cạnh đó, công ty đang có khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn ghi nhận lên đến 5.159 tỷ đồng, đây là tiền cho thuê đất, phí quản lý và sử dụng hạ tầng nhận trước tại các khu công nghiệp.
Đối với dư nợ tài chính, Idico gia tăng vay nợ dài hạn và giảm bớt nợ vay ngắn hạn để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, tổng dư nợ vay đạt 3.314 tỷ đồng. Đa phần các khoản vay của công ty đều nằm tại Ngân hàng, cuối quý III/2023 ghi nhận chỉ có 400 tỷ đồng dư nợ thuộc kênh trái phiếu, tất cả khoản tiền huy động được từ trái phiếu của công ty đều được dùng để đầu tư bổ sung cho dự án Nhà máy Thuỷ điện Đak Mi 3.
Về kết quả kinh doanh, số liệu trong báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy doanh nghiệp hụt hơi doanh thu từ mảng bất động sản khu công nghiệp, doanh thu thuần giảm 30% so với cùng kỳ về ngưỡng 1.443 tỷ đồng.
Công ty chia sẻ nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định.
Doanh thu sụt giảm mà chi phí vẫn leo cao, công ty báo lãi quý III/2023 thu hẹp về mức 194 tỷ đồng, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đồng loạt giảm về ngưỡng 4.997 tỷ đồng và 1.032 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn cùng kỳ năm trước 29% và 56%.
Kết quả này đến từ việc hai mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là hạ tầng khu công nghiệp và kinh doanh điện đều sụt giảm doanh thu, khiến kết quả kinh doanh bị kéo xuống theo.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy