“Thấy chết không cứu” có thể bị tù đến 7 năm
26/02/2016 07:48:30
ANTT.VN – Vụ việc một nam thanh niên tự tử dưới hồ Hàm Nghi (Quận Thanh Khê - Đà Nẵng) hôm 21/2 nhưng không được cứu giúp kịp thời dẫn đến tử vong, trong khi một số người khác đứng quay phim chụp ảnh đã làm dấy lên làn sóng phản đối thói vô tâm, bàng quan trong một bộ phận người dân hiện nay.

Tin liên quan

Hình ảnh nam thanh niên vùng vẫy do đuối nước dưới hồ Hàm Nghi (Đà Nẵng) hôm 21/2

Song đây không chỉ là vấn đề dân sự, luật sư khẳng định: tội không cứu giúp người gặp nạn (mặc dù mình có điều kiện cứu giúp) hoàn toàn đủ căn cứ khép vào tội hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm.

Cuộc phỏng vấn sau đây được thực hiện bởi ANTT.VN với luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư Hà Nội).

Thưa LS Nguyễn Thế Truyền, gần đây báo đài và mạng xã hội phản ánh một vài vụ việc người dân tự tử (vụ thanh niên tự tử ở hồ Hàm Nghi - Đà Nẵng) hoặc gặp nạn (chủ yếu tai nạn giao thông) nhưng những người xung quanh thờ ơ không cứu giúp, thậm chí chỉ đứng quay phim chụp ảnh. Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

LS Nguyễn Thế Truyền: Theo tôi, đây là hành vi không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Dưới góc độ pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm hình sự và bị xử lý hình sự.

Những hành vi cụ thể nào sẽ bị khép vào tội này và khung hình phạt ra sao?

LS Nguyễn Thế Truyền:  Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi của cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

LS Trương Anh Tú: Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2016 cũng quy định tội danh này tại Điều 132, như sau: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Trương Anh Tú

Thưa luật sư, luật pháp Việt Nam có điều khoản nào quy định trước tình huống có người gặp nạn thì những ai là người có trách nhiệm bắt buộc cứu giúp hay không?

LS Nguyễn Thế Truyền: Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể những chủ thể nào có trách nhiệm phải cứu giúp người khi gặp nạn. Trách nhiệm cứu giúp người gặp nạn thuộc về tất cả mọi người trong khả năng và điều kiện của mình.

Điều này còn xuất phát từ góc độ đạo đức của mỗi người. Các chiến sỹ công an, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng cứu hộ… cứu giúp người bị nạn trong tình huống cụ thể xuất từ đạo đức nghề nghiệp của họ, do đó nếu những người này không cứu giúp người bị nạn trong khả năng có thể cứu giúp được của mình thì có thể xem xét trách nhiệm, tuy nhiên thực tế cần xem xét hoàn cảnh cụ thể.

Để xác định được chủ thể của tội danh này, phải xác định được những người đó có đủ năng lực hay nghiệp vụ cứu giúp hay không, việc không cứu giúp có xảy ra hậu quả khiến các nạn nhân tử vong hay không.

Trước đây tôi đã bào chữa cho bị cáo là nhân viên bảo vệ hồ, khi thấy người dân đi câu cá trộm đã đuổi theo. Mấy người đi câu cá trộm bị đuổi nên nhảy xuống hồ rồi chấp chới dưới nước. Bảo vệ không những không cứu mà còn lấy đá ném xuống hồ và cuối cùng người đi câu cá trộm bị chết. Vụ ấy, người bảo vệ bị xét xử tội không cứu giúp
người khác.

Hay có một vụ quẹt xe trên đường cao tốc, tài xế ôtô sau khi gây tai nạn đã xuống xem nạn nhân nhưng thấy nạn nhân bị nặng thì bỏ đi khiến nạn nhân
tử vong.

Như vậy, có thể hiểu tội không cứu giúp người khác được áp dụng cho chủ thể liên quan trực tiếp đến vụ việc. Ở đây, rất khó chứng minh việc những người đi đường dùng điện thoại quay phim là những người có điều kiện mà không cứu giúp người khác.Vì vậy, tôi cho rằng cần giáo dục cho người tham gia giao thông không chỉ trách nhiệm pháp luật mà còn ứng xử đạo đức

Tuy nhiên, có một thực tế đã được nhiều người phản ánh là: có trường hợp cứu giúp người gặp nạn, đưa họ đi bệnh viện nhưng lại bị gia đình nạn nhân vu cho là người gây tai nạn hoặc bị vu là trộm cắp tài sản của người bị nạn, do đó nhiều người đã chọn cách thản nhiên bỏ đi không cứu giúp để tránh phiền phức. Theo ông, trong trường hợp này người muốn cứu giúp người bị nạn nên làm thế nào?

LS Trương Anh Tú:  Theo tôi, trong mọi trường hợp, thấy người bị nạn lâm vào tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng thì người có khả năng cứu giúp phải thực hiện hành vi cứu giúp cho nạn nhân, vì đó không chỉ là trách nhiệm của một công dân mà còn là hành động vì đạo đức nhân văn của xã hội, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn.

Chính cái tâm lý nghi ngờ, e dè, sợ liên lụy đang ngày càng làm gia tăng sự bàng quan và vô cảm trong xã hội. Đó là một vấn đề không nhỏ mà chúng ta cần gỡ bỏ khỏi tâm lý của nhau. Lòng tốt sẽ cạn đi nếu người ta luôn sợ liên lụy trước mỗi việc tốt định làm.

Từ đó, quan điểm của tôi là khi gặp người bị nạn, trong khả năng của mình chúng ta hãy cứu giúp họ. Còn việc lo sợ gặp chuyện phiền phức, thì hãy gác nó lại để lòng tốt, đạo lý làm người của mình được thực hiện đã. Xã hội sẽ dần ghi nhận những điều tốt đẹp và sửa đổi những khuyết tật của nó.

Xin cảm ơn các luật sư.

Diệp Chi  (thực hiện)

           

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến