Dòng sự kiện:
Thấy gì từ 85.000 doanh nghiệp rời thị trường?
01/09/2021 09:18:03
Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách thức và phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Cần có phương án thay thế "3 tại chỗ"

Từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Riêng trong tháng 8 con số tham chiếu so với tháng 7 về tình hình kinh doanh đã sa sút toàn tập, về số vốn đăng ký, số lao động, vốn đăng ký và số lượng doanh nghiệp ra đời.

Thực trạng đúng như tính chất nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Và, xem ra “mục tiêu kép” - vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế chưa thể như kỳ vọng. Ngoài tác động khách quan, có mấy nguyên nhân.

Thứ nhất, phương pháp “3 tại chỗ” không hiệu quả khi được bê nguyên xi từ Bắc Giang, Bắc Ninh vào miền Nam. Rõ ràng, quy mô doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương khác hoàn toàn ngoài Bắc.

Sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ, ở tại chỗ chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Quy mô càng lớn càng nhiều chi phí, doanh nghiệp không thể cáng đáng trong thời gian dài.

Đông Nam Bộ là trung tâm tiếp nhận lao động tha hương lớn nhất nước, đời sống khá bấp bênh, khi dịch bùng phát hầu hết tìm đường về quê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời. Hẳn nhiên, người lao động có muốn ở lại cũng chẳng được!

Đơn cử, Đông Nam Bộ có hơn 256 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng 400 nghìn lao động, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì được 40 nghìn người. Đơn hàng liên tục “bay về” nhưng không thể sản xuất!

Áp dụng “3 tại chỗ” từ một thông báo ngày 14/7 của TPHCM là quá cấp tập, doanh nghiệp không kịp trở tay, thực tế rất ít doanh nghiệp đủ khả năng xoay trở trong vài ngày để đáp ứng yêu cầu này. Vì thế trong số 85 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động có 30% ở TPHCM.


"Mục tiêu kép" đang gặp khó khăn

Thứ hai, khi “3 tại chỗ” phá sản, Chính phủ giao quyền tự quyết cho địa phương và doanh nghiệp tự sắp xếp phương án sản xuất kinh doanh. Đây là quyết sách phù hợp, tuy nhiên có quá nhiều vấn đề phát sinh như lao động bỏ về quê, giãn cách nghiêm ngặt, “luồng xanh, luồng đỏ” rối rắm.

Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách thức và phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Lấy ví dụ, mảnh giấy đi đường không quá rắc rối nhưng vẫn tắc nghẽn ở nhiều khâu, nhiều bộ phận, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận dẫn đến đình trệ hoạt động.

Nhiều Hiệp hội ngành hàng gửi đề xuất lên Thủ tướng kêu cứu về việc này trong khi đó giấy đi đường đã được ủy quyền cho địa phương toàn quyền xử lý. Vậy đã rõ, tắc nghẽn ở dưới.

Thực sự nhiều chính quyền địa phương đã “cứng đơ” hoàn toàn trước nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Không có kịch bản khả dĩ nào thay thế, hoặc “trong khó ló khôn”.

Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bùng mạnh không hề đơn giản. Kể cả những nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không tránh được tình trạng doanh nghiệp “chết” lâm sàng hàng loạt.

Vì thế, mục tiêu “vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế” lúc này là bất khả thi ở Đông Nam Bộ. Nên chăng cần xác định rõ ràng hơn, nên áp dụng ở đâu, khi nào. Cụ thể, Đông Nam Bộ nên nghiêng về phương án ưu tiên dập dịch, có thể hy sinh kinh tế ngắn hạn. Bởi suy đến cùng, có sức khỏe, còn sinh mạng mới còn kinh tế.

Trước năm 1975, cả miền Bắc mở hết tốc lực sản xuất, trồng trọt để chi viện cho miền Nam liên tục 15 năm trời. Cuối cùng chúng ta vẫn thành công. Bài học là việc nào ra việc đó, cái “dĩ bất biến” là phải giải phóng miền Nam, cái “ứng vạn biến” là tùy thời điểm mà thực hiện.

Cũng như vậy hô hào chống dịch là cần thiết, song từng công việc nên tách bạch, có phương án riêng, cụ thể cho từng nhóm, từng thời điểm.

Tác giả: Trương Khắc Trà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến