Dòng sự kiện:
Thấy gì từ quy định 'siết' ví điện tử?
25/04/2019 15:12:06
Chuyên gia Phan Minh Ngọc cho rằng dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến ví điện tử, quy định hạn mức tối đa 20 triệu/ngày với ví cá nhân và 100 triệu/ngày với ví tổ chức là hợp lý.

Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã có chủ trương nhất quán là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ trương đúng đắn này nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế khi các giao dịch thanh toán được thực hiện mà không dùng tiền mặt, trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rửa tiền.

Giới hạn quy định nạp tiền vào ví điện tử

Chủ trương trên đã dẫn đến sự ra đời của nhiều loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, mà gần đây hơn là thanh toán qua tài khoản viễn thông, ví điện tử. Một trong những khác biệt chủ yếu của 2 loại hình thanh toán này là ở việc cần hoặc không cần có liên kết với ngân hàng.

Với thanh toán qua tài khoản viễn thông, việc nạp tiền dường như là không cần phải có tài khoản ngân hàng, thông qua các dịch vụ của hệ thống ngân hàng, và/hoặc có internet. Không ít ý kiến cho rằng hình thức này phát triển và rất có ý nghĩa ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi hệ thống ngân hàng khó vươn tới và bao phủ, người dân ít tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng hoặc tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng thấp, và/hoặc không có internet.

Trong khi đó, với kênh thanh toán qua ví điện tử, việc nạp tiền vào ví chỉ được thực hiện theo 2 cách: thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách. Quy định này vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất trong dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi tắt là Thông tư).

Quy định trong dự thảo Thông tư trên của NHNN là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại những nước đã phát triển và kể cả đang phát triển, nơi có sự phổ biến rộng rãi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, cũng áp dụng những quy định này.

Thanh toán qua tài khoản viễn thông và thanh toán qua ví điện tử là 2 loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh minh hoạ.

Ví dụ, tại Singapore hay Ấn Độ, mọi hình thức thanh toán điện tử đều phải kết nối với ngân hàng. Ngược lại, tại những nước này, hoặc là không có/không được phép sử dụng thanh toán qua tài khoản viễn thông, hoặc là phải nối kết với ngân hàng nếu muốn dùng các dịch vụ thanh toán trên điện thoại.

Thanh toán qua tài khoản viễn thông và ví điện tử khác nhau thế nào?

Xét về độ tiện lợi, rõ ràng thanh toán qua tài khoản viễn thông tiện lợi hơn hầu hết các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác do có sự linh hoạt trong việc nạp tiền vào tài khoản viễn thông dùng để thanh toán - hoặc bằng tiền mặt (thẻ cào), hoặc bằng chuyển khoản, thẻ ngân hàng...

Trong khi đó, trong dự thảo Thông tư, việc nạp tiền vào ví điện tử chỉ được thực hiện qua ngân hàng, dùng sản phẩm của ngân hàng (tài khoản, thẻ ghi nợ), mà thiếu đi kênh tiền mặt (thẻ cào).

Dù thế, mục tiêu đầy đủ của thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là đảm bảo sự tiện lợi mà còn là các yêu cầu về an ninh, an toàn, và phòng chống rửa tiền. Do đó, rõ ràng hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông vừa không thực sự là một kênh thanh toán không dùng tiền mặt, vừa không đảm bảo được các yêu cầu này.

Cụ thể hơn, việc cho phép nạp tiền mặt (bằng thẻ cào) vào tài khoản viễn thông, dù ở những nơi không có dịch vụ ngân hàng và/hoặc không có Internet, trước hết là đã vi phạm nguyên tắc thanh toán không dùng tiền mặt. Người sử dụng vẫn phải dùng tiền mặt để mua thẻ cào rồi nạp tiền vào tài khoản viễn thông hoặc nạp tiền tại các chi nhánh, đại lý của công ty viễn thông. Sự tiện lợi kỳ vọng ở việc thanh toán không dùng tiền mặt như vậy đã giảm đi nhiều.

Quan trọng hơn, với việc chấp thuận nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, dù công ty viễn thông có muốn/bị yêu cầu kiểm soát tài khoản của người sử dụng (như cách ngân hàng kiểm soát tài khoản của chủ tài khoản) cũng không thể có đầy đủ và rõ ràng các thông tin cần thiết để thực hiện các yêu cầu về phòng chống rửa tiền (ví dụ, nguồn tiền từ đâu, ai chuyển, bao nhiêu, khi nào...).

Còn với kênh thanh toán qua ví điện tử, việc phải có liên kết, gắn liền với ngân hàng và dịch vụ ngân hàng như dự thảo Thông tư tuy sẽ hạn chế phần nào phạm vi phủ sóng trong dân chúng. Tuy nhiên, đây vẫn là một giải pháp thanh toán phi tiền mặt dung hòa tốt hơn giữa mức độ tiện lợi và phòng chống rửa tiền, vốn không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua.

Sẽ có nhiều người lập luận, bênh vực cho hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông rằng kênh này chỉ dùng để thanh toán những khoản nhỏ như mua vé máy bay, đi chợ, đi du lịch... nên dù có vi phạm nguyên tắc phòng chống rửa tiền thì hậu quả cũng không nghiêm trọng!

Tuy nhiên, việc không quy định một mức trần giá trị giao dịch theo ngày và theo tháng tương tự như với quy định trong dự thảo Thông tư về ví điện tử (không quá 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu/tháng), thì dù chỉ là những giao dịch “nhỏ” gồm mua vé máy bay, tour du lịch, đi chợ... tổng giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản viễn thông nếu được dùng thường xuyên, đặc biệt với mục đích rửa tiền, sẽ không còn là “nhỏ” chút nào nữa, dễ dàng lên đến tiền tỷ.

Siết hạn mức là hợp lý

Tóm lại, qua phân tích bên trên, có thể thấy rằng quy định như trong dự thảo Thông tư về hình thức nạp tiền vào ví điện tử là hợp lý và xác đáng, xét từ góc độ an ninh, phòng chống rửa tiền.

Kể cả việc áp đặt hạn mức chi tiêu theo ngày, tháng trong dự thảo cũng là hợp lý bởi hiện tại việc thanh toán qua ví điện tử vẫn còn nhiều rủi ro, dễ gây thiệt hại cho chủ ví (ví dụ, khi đánh mất điện thoại hoặc bị hack tài khoản). Do đó, cần phải có quy định hạn mức để giảm thiểu thiệt hại từ những rủi ro này.

Tương tự như vậy là các quy định khác trong dự thảo Thông tư, gồm việc NHNN sẽ giám sát tổng số ví điện tử, tổng số dư của tất cả khách hàng, và tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải nắm được thông tin và xác minh thân nhân người sử dụng.

Tương ứng với nhận định trên, có thể thấy rằng hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông chưa đảm bảo được các yêu cầu của thanh toán không dùng tiền mặt.

Do đó, nếu muốn cấp phép phổ biến hình thức này thì trước mắt cần đặt ra một số quy định tối thiểu, gồm (1) không được phép nạp tiền mặt vào tài khoản viễn thông dùng để thanh toán; (2) đặt hạn mức giao dịch theo ngày và theo tháng (tham khảo quy định của NHNN); (3) công ty viễn thông phải nắm được thông tin và xác minh thân nhân người sử dụng, phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngành khi cần; và (4) công ty viễn thông phải báo cáo định kỳ và bất thường cho NHNN số lượng, số dư tài khoản viễn thông dùng để thanh toán.

Trên hết, cần lưu ý một điều rằng việc thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam cần phải được cấp phép và chịu sự theo dõi, giám sát, chế tài của cơ quan chức năng về tiền tệ, trong trường hợp này chính là NHNN. Để cho không phải là một sự “lách luật”, mọi “sáng kiến” thanh toán cần phải bị loại bỏ chừng nào vẫn có khía cạnh nào đó vi phạm nguyên tắc này.

Điểm mới của dự thảo Thông tư NHNN là quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân bao gồm giao dịch chuyển tiền giữa các ví và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp. Mức tối đa là 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng với cá nhân. Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.

Thanh Niêndẫn số liệu cho biết cả nước hiện có 23 loại ví điện tử của 26 công ty trung gian thanh toán do NHNN cấp phép như MoMo, ZaloPay, VCB Pay, YOLO, Sacombank Pay, Ví Việt.... Số món thanh toán qua ví điện tử quý III/2018 tăng 21% so với cùng kỳ 2017, giá trị thanh toán qua ví điện tử tăng 161%, theo NHNN.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến