Dòng sự kiện:
Thầy Văn Như Cương trong kí ức của học trò trường Đại học Vinh
09/10/2017 20:25:27
Những kỷ niệm đẹp, khó phai được những thế hệ học trò, đồng nghiệp của thầy Văn Như Cương kể lại trong những năm tháng công tác tại trường Sư phạm Vinh, nay là Đại học Vinh (Nghệ An).

Ít ai biết rằng, trong những năm kháng chiến, PGS-TS Văn Như Cương đã từng công tác tại trường Đại học Sư phạm Vinh, nay là trường Đại học Vinh, trường Đại học trọng điểm quốc gia (Nghệ An).

Kỷ niệm đẹp, ký ức khó phai những năm công tác tại mái trường này đã được những thế hệ học trò, đồng nghiệp, đặc biệt là học sinh khoa Toán trường Sư phạm Vinh mãi khắc ghi. 

Những thế hệ học trò đầu tiên của thầy Văn Như Cương tại Trường sư phạm Vinh.

Tiết trời TP. Vinh ngày 9/10 mưa tầm tã, chúng tôi may mắn được trò chuyện với những thế hệ học sinh đầu tiên của thầy tại Nghệ An. Thậm chí, có những học sinh sau đó trở thành đồng nghiệp với thầy tại trường Sư phạm Vinh lúc đó.

Trong ngôi nhà ấm cúng của tòa nhà Tecco, nhớ lại phút giây nhận được hung tin PGS-TS Văn Như Cương đã qua đời sau những ngày tháng chống chọi với bệnh tật, ngồi nhâm nhi bên chén chè xanh, thầy Trương Đức Hinh (SN 1941), nguyên giáo viên giảng dạy bộ môn Hình học, khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Vinh chia sẻ: “Hôm nay, nhận được tin thầy Cương qua đời, ban đầu tôi chưa thật sự tin. Dù biết rằng thầy đã tuổi cao sức yếu nhưng không nghĩ thầy ra đi đột ngột như vậy. Thầy Cương qua đời là một thiệt thòi rất lớn của ngành giáo dục nước nhà. Với tôi đó là một người thầy, một người đồng nghiệp đáng mến.

Thầy Trương Đức Hinh chia sẻ với PV.

Chúng tôi học xong được giữ lại để làm giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Từ quan hệ thầy trò chúng tôi lại trở thành đồng nghiệp, cùng vượt qua khó khăn gian khổ trong những năm kháng chiến”.

Thầy Trương Đức Hinh là một trong những học sinh đầu tiên của PGS-TS Văn Như Cương tại khóa 1, khoa Toán trường Đại học sư Phạm Vinh. Thời điểm đó Trường Đại học Sư Phạm Vinh mới được thành lập.

Những năm kháng chiến, Trường Đại học Sư Phạm Vinh phải di tản nhiều nơi, giảng viên của nhà trường cũng phải khăn gói theo. Đi tới đâu thầy Cương cũng nhận được sự yêu mến hết mực của người dân địa phương.

Nhắc lại những kỷ niệm về thầy Văn Như Cương, thầy Hinh tâm sự: “Thời điểm đó, nói về chuyên môn của thầy Cương thì tất cả các học trò và đồng nghiệp không cần nói nhiều. Thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà đó còn là một con người đa tài, chan hòa, dí dỏm và rất dễ gần. Nhưng đã bước lên mục giảng thì tất cả đều trở về đúng quy củ”.

Chúng tôi còn được gặp thầy Nguyễn Quý Dy (SN 1940) cũng là một trong những học sinh đầu tiên, cũng là đồng nghiệp của PGS-TS Văn Như Cương tại trường Đại học Sư phạm Vinh.

Thầy Nguyễn Qúy Dy nhớ lại người thầy quá cố - PGS - TS Văn Như Cương.

Thầy Dy vẫn nhớ như in những kỷ niệm đẹp khó phai về người thầy đáng quý của mình: “PGS-TS Văn Như Cương là một người rất cương trực, thẳng thắn, luôn góp ý chân thành với tinh thần xây dựng. Trong quá trình giảng dạy thầy luôn tôn trọng học trò khuyến khích sự sáng tạo”.

“Có một lần tôi làm bài thơ về thầy. Cứ nghĩ, thầy sẽ không hài lòng nhưng không ngờ lại trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của tôi, thầy rất phấn khởi, vui vẻ. Đến giờ tôi vẫn nhớ bài thơ đó, nội dung bài thơ là: Thầy có chòm râu phủ tận bàn/Nhìn thầy thấy toán chẳng khô khan/ Thầy ơi trong toán nhiều hoa lắm/Toán vốn là hoa chẳng chịu tàn", thầy Di kể về kỷ niệm hằn sâu trong trí nhớ mình.

Không riêng gì thầy Hinh, thầy Dy, những lớp học trò của thầy Văn như Cương nói riêng và từ mái Trường Đại học Sư phạm Vinh ra trường  đều đóng góp sức mình, xây dựng đất nước. Trong số đó, nhiều người trở về trường tiếp tục công tác giảng dạy, xây dựng trường Đại học Sư phạm Vinh càng lớn mạnh xứng đáng là ngọn cờ đầu cho nền giáo dục.

Vậy mới thấy, trong ký ức những người trò, đồng nghiệp, thầy Văn Như Cương còn là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh nay là Trường Đại học Vinh lớn mạnh như ngày hôm nay.

Ngọc Tuấn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến