Dòng sự kiện:
Thế giới rầm rộ tăng lãi suất, sức ép với chính sách tiền tệ năm 2022 rất lớn
29/12/2021 10:42:57
Năm 2021, ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới đã có 118 lượt tăng lãi suất, song chỉ có 16 lượt giảm lãi suất, gây áp lực lớn với điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

 

Lạm phát toàn cầu tăng cao, nhiều quốc gia tăng lãi suất gây áp lực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, áp lực lạm phát đang gây sức ép lớn cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có khoảng 118 lượt tăng lãi suất nhưng chỉ có 16 lượt giảm lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh bất ngờ tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thu hẹp gói định lượng, đồng thời dự định giảm lãi suất 3 lần năm 2022 thay vì dự định 2 lần trước đó. Đồng thời, Fed cũng nhận định lạm phát là nguy cơ hiện hữu thay vì coi lạm phát chỉ có tính tạm thời như trước.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới có xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát rất cao. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cộng áp lực lạm phát lớn, chính sách tiền tệ đứng trước nhiều áp lực.

Mặc dù vậy, theo ông Quang, trước tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người dân vẫn mong lãi suất cho vay giảm thêm nữa. Chính vì vậy, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.

“Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Năm 2021, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm 0,82% trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành năm 2020. Đặc biệt, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 4,5% nhưng thực tế nhiều tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất thấp hơn (4,32%), thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tính đến 20/12, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 607.000 tỷ đồng dư nợ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Trong đó, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các nhà băng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng vào khoảng 34.900 tỷ đồng.

Doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đã là trên 7,4 triệu tỷ, với trên 1,3 triệu khách hàng được vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%.

Dự kiến, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ của Napas trong giai đoạn 2020-2021 được giảm là 2.557 tỷ đồng.

Tác giả: T.L

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến