Dòng sự kiện:
Thế giới sốt ruột chờ hồi đáp từ Nhà Trắng giữa cơn bão thuế quan của ông Trump
09/04/2025 15:45:51
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức thương mại hàng đầu của ông cho biết, họ đang đàm phán với các đối tác nhằm giảm bớt mức thuế nhập khẩu dự kiến có hiệu lực vào 9/4 (giờ Mỹ).

Tuy nhiên, nhiều chính phủ nước ngoài muốn đối thoại vẫn trong tình trạng "ngóng điện thoại".

Điện thoại của Nhà Trắng không ngừng reo

Một quan chức Philippines cho biết nước này vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Mỹ sau khi đề nghị một cuộc gặp gỡ. Anh đã đưa ra một khuôn khổ cho thỏa thuận thương mại với Nhà Trắng nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị tăng thuế. Một nhà ngoại giao nước ngoài khác nói rằng chính phủ của họ đã liên hệ với nhiều trợ lý của ông Trump ở mọi cấp độ nhưng phần lớn đều không phản hồi hoặc chỉ dừng lại ở việc "nghe cho có".

Không chỉ vậy, các quan chức trong chính quyền ông Trump vẫn chưa làm rõ những nhượng bộ mà họ mong muốn từ các đối tác, điều có thể mở đường cho một giải pháp thương lượng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Đây là dấu hiệu cho thấy dù chính quyền Mỹ đang cố gắng trấn an thị trường tài chính, giới doanh nghiệp và các nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng họ có một kế hoạch cuối cùng cho loạt thuế quan gây chấn động thị trường thì Nhà Trắng thực chất vẫn đang ở rất xa với việc đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại có ý nghĩa nào với các đối tác lớn. Những tiến triển nhanh chóng càng trở nên khó khăn hơn khi chính quyền ông Trump cố gắng đàm phán các thỏa thuận song phương cùng lúc với gần 100 quốc gia.

“Tôi không chắc Bộ thương mại Mỹ có thực sự muốn thúc đẩy các cuộc gặp giữa các bộ trưởng của chúng tôi hay không nữa. Nhiều người trong chúng tôi đã gửi thư đề nghị gặp mặt. Chúng tôi đều đang chờ phản hồi", quan chức Philippines cho hay.

Một nhà ngoại giao khác cũng đồng tình với nhận định trên, cho rằng không có một quan chức cấp cao nào trong chính quyền ông Trump "được trao quyền chính thức để đàm phán", còn các cấp thấp hơn thì lại càng thiếu thẩm quyền và không có thông tin rõ ràng về kế hoạch của Nhà Trắng.

"Ngay cả khi có được một cuộc gặp, ngoài một dòng tweet xã giao thì cũng chẳng thu được gì cụ thể", nhà ngoại giao này nói.

Nhà Trắng đã liên tục nhấn mạnh việc có nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài chủ động liên hệ để đàm phán kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế vào tuần trước giữa bối cảnh thị trường chứng khoán tụt dốc nghiêm trọng.

"Tổng thống sẵn sàng trao đổi với bất kỳ quốc gia nào nhấc máy gọi điện và tôi có thể nói rằng điện thoại ở đây đã reo không ngừng vì các nước đều muốn đối thoại với chính quyền", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói, đồng thời cho biết, các nhà lãnh đạo "muốn bay tới Washington ngay trong đêm nay".

Tuy nhiên, việc phải xoay xở cùng lúc với quá nhiều cuộc đối thoại đặt ra một thách thức lớn cho đội ngũ ít ỏi các quan chức phụ trách thương mại và kinh tế trong chính quyền ông Trump.

"Chắc chắn sẽ có hạn chế về năng lực nếu họ cố gắng giải quyết tất cả cùng lúc", Bill Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại dưới thời cựu Tổng thống Clinton, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.

Trong lúc chờ đợi, một số nước có thể buộc phải chuyển sang các động thái trả đũa, một nhà ngoại giao nước ngoài cho biết sau khi chính phủ của người này đã nhiều lần tiếp cận các quan chức trong chính quyền ông Trump.

“Chúng tôi vẫn tin rằng việc thực sự ngồi lại đàm phán sẽ hợp lý hơn nhưng vấn đề là họ không đàm phán", nhà ngoại giao trên cho hay.

Ông Trump liên tục nhắc tới các cuộc trao đổi với lãnh đạo các đồng minh châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng đã gặp trực tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 7/9. Tuy nhiên, Nhà Trắng hầu như không tiết lộ về việc liệu những cuộc trao đổi này có giúp đàm phán tiến triển hoặc ông Turmp có cân nhắc việc rút lại các mức thuế cao đối với những nước này hay không.

Ngay cả ông Netanyahu tuyên bố Israel cam kết xóa bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ và dỡ bỏ các rào cản thương mại khác thì ông Trump chỉ đáp lại một cách đơn giản: "Rất tuyệt".

"Một số tín hiệu mâu thuẫn được đưa ra, vì có quan chức nói là không có chỗ cho đàm phán. Nhưng rồi tôi nghe rằng có nước vẫn đang đàm phán. Israel đến rồi Nhật Bản đến, nên bạn biết đấy, tôi nghĩ là vẫn còn có cửa", một nhà ngoại giao khác đến từ Đông Nam Á chia sẻ.

Tình trạng mơ hồ này càng khiến chính quyền ông Trump khó xoa dịu một tuần thị trường hỗn loạn, làm rung chuyển nền kinh tế và dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ suy thoái.

Sau nhiều tuần chuẩn bị, ông Trump tuyên bố ngày 2/4 - được Nhà Trắng gọi là "Ngày Giải phóng", rằng Mỹ sẽ áp mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu từ ngày 5/4. Với một số quốc gia mà chính quyền Mỹ cho là đối tác thương mại không công bằng, mức thuế cao hơn sẽ chính thức có hiệu lực vào 9/4.

Mọi chuyện phức tạp hơn ông Trump nghĩ?

Mức thuế áp dụng cho hơn 60 đối tác thương mại này dao động từ 10 - 50% và được áp bổ sung lên các loại thuế mà chính quyền ông Trump đã áp trước đó đối với thép, nhôm nhập khẩu, ô tô và linh kiện ô tô, cũng như với Canada, Mexico và Trung Quốc do liên quan đến việc vận chuyển fentanyl vào Mỹ. Ông Trump cũng đe dọa áp thêm 50% thuế với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đáp trả thông báo thuế quan đầu tiên của ông và nếu lời đe dọa này thành hiện thực, tổng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể vượt quá 100%.

Tổng thống Trump nhấn mạnh, ông quan tâm nhất đến thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác và muốn thấy con số này được thu hẹp trước khi cân nhắc đến việc dỡ bỏ thuế quan. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã gọi đây là vấn đề "có đi có lại" trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm 8/4.

“Việc thiếu tính có đi có lại là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thâm hụt thương mại toàn cầu của chúng ta, đặc biệt là với một số quốc gia cụ thể,” ông Greer phát biểu. “Rõ ràng là Tổng thống đang nhắm đến việc giải quyết các thâm hụt thương mại để xử lý những điều kiện không đối ứng - yếu tố nền tảng của tình trạng khẩn cấp quốc gia hiện nay".

Tuy nhiên, những rào cản thương mại như thuế, tiêu chuẩn nội địa đối với ô tô, hàng nông sản hay sản phẩm y tế sẽ khó để các chính phủ nước ngoài thay đổi dù là họ có thiện chí thay đổi đi nữa. Trên thực tế, nhiều quốc gia gần như không kiểm soát được mức thâm hụt thương mại của họ với Mỹ vì điều này bị chi phối bởi cấu trúc nền kinh tế của mình cũng như sức mua và thói quen tiêu dùng của người Mỹ.

"Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều so với những gì ông Trump hình dung bởi khi đụng đến các rào cản phi thuế quan thì không chỉ là chuyện con số nữa mà là cách các quốc gia tổ chức nền kinh tế và xã hội của họ", ông Reinsch nói và dự đoán rằng: “Nếu họ đạt được một thỏa thuận nào đó, thì cũng chỉ là chọn ra vài con số ngẫu nhiên và tuyên bố nó sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại khoảng chừng này".

Đại diện thương mại của ông Trump không đưa ra nhiều thông tin rõ ràng về việc chính quyền kỳ vọng các quốc gia sẽ phải giảm thâm hụt thương mại của họ đến mức nào, trong khoảng thời gian bao lâu, hay mục tiêu cuối cùng của các cuộc đàm phán về thuế quan là gì.

“Mọi việc sẽ được xử lý theo từng quốc gia. Sẽ có những nước không thể giải quyết hoàn toàn các rào cản phi thuế quan, thuế quan hay thâm hụt thương mại của họ, nhưng cũng sẽ có những nước có thể làm được điều đó", ông Greer nói.

Nhượng bộ chưa đủ

Một điều mà Tổng thống và các quan chức thương mại hàng đầu Mỹ đã nói rõ, đó là những nhượng bộ mà một số quốc gia đã đưa ra cho đến thời điểm này vẫn chưa đủ để giúp họ tránh khỏi việc bị áp thuế. Chẳng hạn, Campuchia đối mặt với mức thuế 49%, đã đề xuất giảm mạnh các mức thuế mà họ đang áp lên hàng hóa Mỹ trong 19 nhóm mặt hàng. Trong khi đó, Thái Lan có kế hoạch tăng nhập khẩu dầu khí từ Mỹ nhằm thu hẹp mức thặng dư thương mại với Washington.

Liên minh châu Âu hôm 7/4 cũng đã đề nghị giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp xuống còn 0%, để đổi lại việc Mỹ cũng loại bỏ mức thuế tương ứng. Khi được hỏi vào chiều cùng ngày tại Phòng Bầu dục rằng liệu đề nghị đó có đủ để hủy bỏ việc tăng thuế 20% mà EU sẽ phải đối mặt bắt đầu từ ngày 9/4 hay không, ông Trump đáp: “Không, vẫn chưa đủ".

Một số quốc gia đang nỗ lực xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan. Chính phủ Colombia đang trao đổi với các lãnh đạo khu vực tư nhân để tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đang lập ra một lộ trình để tiếp cận Washington, một quan chức Colombia tiết lộ.

“Họ vẫn đang cân nhắc nên làm gì,” một quan chức Mỹ Latinh, người đã có nhiều tiếp xúc gần với chính quyền Trump, cho biết.

“Họ cứ trì hoãn, rồi lại thông báo, hết lần này đến lần khác. Tôi nghĩ mọi người chỉ đang chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.”

Tại Vương quốc Anh, chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đã bày tỏ rõ ràng mong muốn đạt được một thỏa thuận với Nhà Trắng — thậm chí sẵn sàng đưa việc xem xét lại các quy định về an toàn trực tuyến và thuế công nghệ vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, các bộ trưởng không kỳ vọng ông Trump sẽ nhượng bộ trong thời gian sớm.

Tác giả: Kiều Anh/Theo Politico
Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến