Dòng sự kiện:
Thêm áp lực lên thanh khoản ngân hàng
05/10/2019 16:02:40
Kể từ đầu tháng 11 tới, lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các NHTM sẽ phải chuyển về nằm tập trung tại NHNN, theo một quyết định mới ban hành của Bộ tài chính.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ mất đi một nguồn vốn đầu vào giá rẻ. 

Thu về một mối

Nếu như theo quy định cũ ở thông tư số 315/2016/TT-BTC không quy định về việc số dư tài khoản thanh toán nằm tại các NHTM là như thế nào, thì theo Điều 5 của Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN) mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các NHTM mới ban hành, các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, toàn bộ số dư trên các tài khoản này được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam, đảm bảo các tài khoản này tại các NHTM chỉ có số dư bằng 0.

Quy định này loại trừ các tài khoản thanh toán tổng hợp bằng những loại ngoại tệ mà NHNN Việt Nam chưa mở tài khoản. Đối với các trường hợp có phát sinh sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong ngày, việc kết chuyển được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo. Quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2019, như vậy lượng tiền gửi thanh toán của KBNN đang nằm tại các NHTM, chủ yếu ở 4 NHTM Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, sẽ được thu về một mối nằm tại Sở giao dịch NHNN vào cuối mỗi ngày giao dịch.

Trong thời gian qua, nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN từ các chi nhánh, các cấp huyện, tỉnh đến Trung ương đều chảy qua tài khoản thanh toán mở tại một số NHTM, chủ yếu đến từ các hoạt động cân đối thu - chi, cũng như để phục vụ hoạt động thanh toán của KBNN. Số dư này có những thời điểm lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, mang lại lợi ích rất lớn cho các NHTM do các nhà băng được sử dụng lượng vốn này như tiền gửi thanh toán thông thường, trong khi lãi suất chi trả cho KBNN thường theo thỏa thuận. 

Có gây nên áp lực thanh khoản?

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019, tiền gửi của KBNN tại ngân hàng BIDV thời điểm cuối tháng 06/2019 là gần 66 ngàn tỷ đồng, giảm 4.4 ngàn tỷ đồng, tương đương giảm 6.3% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi thanh toán là gần 5 ngàn tỷ đồng, giảm 14.4 ngàn tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn lên đến 61 ngàn tỷ đồng, tăng 10,000 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Tương tự tại Vietcombank, tổng tiền gửi của KBNN là hơn 73.5 ngàn tỷ đồng, giảm 13.6 ngàn tỷ đồng, tương đương giảm 15.6% so với cuối năm 2018. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn là 6.5 ngàn tỷ đồng, giảm 24.6 ngàn tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn là 67 ngàn tỷ đồng, tăng 11 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Còn tại VietinBank, tiền gửi của KBNN và các khoản nợ khác cũng lên đến hơn 68.4 ngàn tỷ đồng, tăng 9.2 ngàn tỷ đồng, tương đương 15.6% so với cuối năm 2018. Còn tại Agribank con số này là hơn 48.7 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh 19.7 ngàn tỷ đồng, tương đương 67.8% so với cùng thời điểm. Cả VietinBank và Agribank đều không chi tiết ra lượng tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn.

Nhờ nguồn vốn lớn ổn định giá rẻ như trên mà nhóm các ngân hàng này có lượng thanh khoản dồi dào để kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng, mạnh tay đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ, trong khi vẫn có điều kiện duy trì lãi suất huy động thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung. Do đó, nếu nguồn tiền gửi lớn trên được chuyển về nằm tại NHNN, rõ ràng sẽ tác động lên nguồn vốn cũng như thanh khoản của các ngân hàng này.

Dù theo quy định chỉ mới yêu cầu kết chuyển số dư tiền gửi thanh toán chứ chưa nhắc gì đến lượng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN đang nằm tại các ngân hàng thương mại, vốn có số dư rất lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng tại mỗi ngân hàng trong số 4 ngân hàng này như đã nêu ở phía trên, và đang tiếp tục tăng lên so với năm 2018. Đây được cho là lượng vốn huy động được từ trái phiếu Chính phủ để phục vụ cho các dự án đầu tư công, nhưng do các dự án giải ngân quá chậm nên lượng tiền nhàn rỗi trên được KBNN gửi có kỳ hạn tại các NHTM để tối ưu hóa lợi ích sử dụng vốn.

Cụ thể, tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công ngày 26/09 mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận vốn giải ngân vẫn đang rất chậm và thấp hơn cả năm 2018. Cụ thể tính đến hết tháng 9 số vốn giải ngân mới đạt hơn 192,130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA.

Tuy nhiên, càng về cuối năm, các dự án đầu tư công sẽ buộc phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch năm, do đó lượng tiền gửi có kỳ hạn trên tại các nhà băng cũng có thể bị rút ra. Đáng lưu ý là cũng trong Hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo hậu quả từ việc giải ngân chậm vốn đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế và tuyên bố Chính phủ quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời.

Chính vì vậy, với quyết định tiền gửi thanh toán của KBNN phải chuyển về nằm tại NHNN cộng thêm tiền gửi có kỳ hạn của KBNN cũng đối mặt với khả năng sụt giảm trong những tháng cuối năm nay, thì nỗi lo ngại áp lực thanh khoản tại nhóm các NHTM Nhà nước là có cơ sở, nhất là khi càng về cuối năm các ngân hàng cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tiền gửi cũng thường chậm lại trong mùa cao điểm kinh doanh sản xuất, tiêu dùng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới đây, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay chỉ mới đạt 8.4%, còn cách rất xa so với mục tiêu 14% nên việc các nhà băng sẽ tích cực cho vay ra trong quý 4 là điều có thể thấy trước. Trong bối cảnh vốn đầu ra tăng tốc, vốn đầu vào chậm lại và ở một số nguồn đứng trước khả năng sụt giảm, thì áp lực lên lãi suất dường như có thể quay lại.

Với quyết định tiền gửi thanh toán của KBNN phải chuyển về nằm tại NHNN cộng thêm tiền gửi có kỳ hạn của KBNN cũng đối mặt với khả năng sụt giảm trong những tháng cuối năm nay, thì nỗi lo ngại áp lực thanh khoản tại nhóm các NHTM Nhà nước là có cơ sở.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến