Dòng sự kiện:
Thêm cổ phiếu bán lẻ bị bán tháo
24/11/2022 16:54:35
Thị trường chung diễn biến cân bằng với lực kéo lên từ nhóm Vingroup và thép, trong khi cổ phiếu bất động sản và bán lẻ bị bán tháo ở giá thấp nhất.

Thị trường chứng khoán trong nước phiên 24/11 chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ với lực kéo mạnh của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng cũng bị hưởng nặng nề bởi sự lao dốc của nhóm bất động sản và bán lẻ.

Tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng lên cổ đông một số doanh nghiệp địa ốc. Trong đó, PDR của Phát Đạt có phiên giảm sàn thứ 15 liên tiếp về 13.850 đồng với thanh khoản gần như bị tắt, trong khi vẫn có hơn 118 triệu cổ phiếu đặt bán giá thấp nhất vào cuối ngày.

Chuỗi giảm khốc liệt vừa qua đã khiến cổ phiếu PDR mất hơn 70% giá trị sau hơn một tháng giao dịch. Tâm lý nhà đầu tư PDR vẫn bị đè nén trước áp lực bị bán giải chấp mạnh từ nhà sáng lập Nguyễn Văn Đạt.

NVL của Novaland sau 2 phiên giải cứu mạnh mẽ nhưng bất thành đã quay lại cảnh tắt thanh khoản kể từ phiên chiều. Tổng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt gần 3,3 triệu cổ phiếu (tương đương 72 tỷ đồng) và còn khoảng 60 triệu cổ phiếu chất sàn.

Đây đã là phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp của mã chứng khoán này, khiến giá trị vốn hóa cũng lao dốc 70% kể từ đầu tháng đến nay. Nhà đầu tư thậm chí còn lo lắng hơn khi lượng cổ phiếu khớp lệnh kỷ lục ngày 22/11 sẽ về tài khoản vào chiều mai, gây rủi ro bán tháo mạnh dữ dội hơn.

Hai mã bất động sản cũng chìm trong áp lực bán giải chấp là HPX của Hải Phát có số dư bán sàn là khoảng 70 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu NRC của Netland có gần 9 triệu cổ phiếu bán giá thấp nhất chưa khớp lệnh.

Ngoài nhóm bất động sản, phiên hôm nay còn ghi nhận diễn biến xấu của nhóm bán lẻ. Trong đó MSN của Masan gây tác động tiêu cực nhất thị trường khi giảm 4,2% về 89.000 đồng.

Bên cạnh đó MWG của Thế Giới Di Động bị bán mạnh về mức thấp nhất 37.700 đồng và vẫn còn hàng trăm nghìn cổ phiếu chưa khớp lệnh giá sàn. Tình cảnh bán sàn cũng diễn ra tại FRT của FPT Retail, DGW của Digiworld và PET của Petrosetco.


Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Tuy nhiên thị trường về tổng thể vẫn diễn biến rất phân hóa. Bất chấp tình cảnh bán sàn của nhóm bất động sản và bán lẻ, VN-Index vẫn được kéo lên vùng xanh bởi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong đó, động lực mạnh mẽ nhất đến từ nhóm Vingroup. Mã chủ lực VIC bất ngờ tăng vọt 2,2% lên 61.000 đồng để tạo tác động lớn nhất. Bên cạnh VHM của Vinhomes đi lên 1,4% đạt 45.000 đồng và VRE của VIncom Retail có thêm 3,6% ở mức 27.100 đồng.

Nhóm thép cũng tham gia đỡ chỉ số khi HPG của Hòa Phát tăng tốc 4% lên 14.350 đồng. Thêm nữa, HSG của Hoa Sen tăng trần lên 9.220 đồng, NKG của Nam Kim có thêm 6,8% đạt 9.290 đồng hay TLH, TVN, POM đều có sắc xanh tốt.

Sự phân hóa giúp trạng thái thị trường có phần cân bằng, VN-Index biến thiên quanh mốc tham chiếu để rồi kết phiên tăng nhẹ 1,71 điểm (0,18%) lên 947,71 điểm. Trong khi HNX-Index tăng 0,12% đạt 191,22 điểm và UPCoM lại giảm 0,21% về 67,51 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng không có nhiều đột biến với mức nhích nhẹ hơn so với hôm qua. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 9.341 tỷ đồng, trong đó phần lớn vẫn đến từ HoSE với giá trị 8.358 tỷ đồng.

Giao dịch của khối tự doanh vẫn chưa có nhiều cải thiện với mức bán ròng hơn 10 tỷ đồng trên HoSE. Trong khi khối ngoại tiếp tục gom mạnh 290 tỷ đồng, tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND và VNM.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến