Dòng sự kiện:
Thêm một vụ bê bối nhân sự có trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng
03/08/2016 16:02:52
Dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, tại Cục Quản lý thị trường từng xảy ra “bê bối” trong kỳ thi tuyển công chức vào năm 2013. Và người phụ trách đơn vị xảy ra chuyện đó là ông Trương Quang Hoài Nam, cũng đã được luân chuyển đi làm Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ.

Tin liên quan

(Ảnh minh họa) 

Sau kỳ thi tuyển công chức kết thúc vào ngày 6/10/2013 tại Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), đã có rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về tính minh bạch của kỳ thi. Được biết, kỳ thi này có tổng cộng 299 thí sinh tham gia với chỉ tiêu là 10 công chức. Trong danh sách trúng tuyển, có một số người đã được cơ quan chức năng xác định là con, cháu lãnh đạo ngành công thương.

Về kỳ thi tuyển này, có đơn thư tố cáo cán bộ Cục Quản lý Thị trường là ông Nguyễn Đức Lê, đã nhiều lần vào phòng thi để nhắc bài và hướng dẫn một số thí sinh làm bài. Trong quá trình giải trình, ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường và là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển khi đó thừa nhận, ông Lê là người trong ban ra đề thi, có xuất hiện tại khu vực thi, sân trường và hành lang.

Tuy nhiên, ông Nam khi đó vẫn báo cáo vụ việc theo hướng cho rằng, một cán bộ khác trong Cục đứng sau tổ chức khiếu kiện gây rối nội bộ, gây áp lực, đe doạ và hạ uy tín các cán bộ không liên quan đến kỳ thi. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Bộ xử lý kỷ luật thật nghiêm các hành vi này.

Vụ việc này cũng được phản ánh đến một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Cơ quan An ninh (A85, Bộ Công an) vào cuộc. Kết quả điều tra cho thấy, trong đợt thi tuyển, một số cán bộ Cục Quản lý Thị trường và một số thí sinh có dấu hiệu vi phạm quy định (liên quan đến việc lộ đề thi) bất chấp trước đó, ông Trương Quang Hoài Nam khẳng định, việc thi tuyển đúng quy định và sau đó làm công văn gửi lãnh đạo Bộ Công Thương xin phê duyệt kết quả thi.

Tại thời điểm cuối tháng 7/2014, trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó là ông Nguyễn Thái Bình, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã nhiều lần lên tiếng về vụ việc này. Ông cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XIII, ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng về vụ việc này. Theo văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã khẳng định là có sai phạm và đang xem xét trách nhiệm để xử lý các cán bộ có trách nhiệm của Cục Quản lý Thị trường.

“Tuy nhiên, sau hơn nửa năm kể từ khi phát hiện sai phạm và sau gần 2 tháng kể từ khi có văn bản trả lời chất vấn của tôi, Bộ Công Thương vẫn chưa có một quyết định xử lý nào. Sai phạm trong tuyển dụng ở Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương đã rõ ràng và được khẳng định nhưng vụ việc đang được xử lý theo hướng bao che cho những cá nhân có trách nhiệm trong Hội đồng tuyển dụng của Cục Quản lý Thị trường và lấp liếm sai phạm mà cụ thể là vẫn công nhận kỳ thi lẽ ra phải bị huỷ bỏ”, văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ của ông Cương thời điểm đó cho hay.

Sau đó Bộ Nội vụ đã quyết định thanh tra toàn bộ việc tuyển dụng của Bộ Công Thương trong năm 2013. Kết quả của cuộc thanh tra đã đi đến kết luận về sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý Thị trường và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ kết quả kỳ thi nói trên, đồng thời Đoàn thanh tra cũng kiến nghị xem xét và xử lý trách nhiệm của các công chức có liên quan của Cục Quản lý Thị trường.

Bộ Công Thương cũng có công văn quyết định: Huỷ bỏ kết quả thi trong kỳ thi tuyển công chức của Cục Quản lý Thị trường năm 2013 và xử lý các cán bộ vi phạm.

Sau khi có kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ, cuối tháng 8/2014, Văn phòng Chính phủ chính thức ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc này.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Công Thương cũng có công văn quyết định: Huỷ bỏ kết quả thi trong kỳ thi tuyển công chức của Cục Quản lý Thị trường năm 2013, đồng thời giao cho Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Quản lý Thị trường xem xét tổ chức thi lại theo quy định hiện hành.

Đồng thời, Bộ Công Thương buộc phải đưa ra hình thức kỷ luật, xử lý các cán bộ sai phạm trong vụ lộ đề thi này. Các hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với ông Nguyễn Đăng Khoa – Trưởng phòng Pháp chế; cảnh cáo ông Nguyễn Đức Lê – Phó phòng Pháp chế, đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc bảo mật đề thi (trao đổi với 4 thí sinh tham gia thi tuyển công chức). Hình thức xử lý này đã được xem xét đến tình tiết giảm nhẹ như là thương binh, sắp nghỉ hưu và có nhiều đóng góp...

Kỷ luật khiển trách đối với ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường. Phê bình nghiêm khắc và huỷ hết các danh hiệu thi đua khen thưởng năm 2013 đã được quyết định đối với Chủ tịch hội đồng thi tuyển là ông Trương Quang Hoài Nam khi đã để xảy ra sai phạm của một số cá nhân trong Hội đồng thi tuyển công chức của Cục Quản lý thị trường năm 2013.

Đáng nói, trong khi Bộ Công Thương đang xem xét và xử lý các công chức có liên quan đến vụ sai phạm này, ông Trương Quang Hoài Nam vẫn được xem xét đi luân chuyển. Và 6 tháng sau khi bị phê bình nghiêm khắc, ông Trương Quang Hoài Nam rời Bộ Công Thương để giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Lẽ ra, là người chịu trách nhiệm chính trước sai phạm đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển dụng, ông Nam phải chịu hình thức kỷ luật chứ không phải là phê bình nghiêm khắc như Bộ Công Thương đã làm. Ấy vậy mà ông Nam vẫn ung dung đi luân chuyển một cách “đáng ngờ”.

Cũng phải nhắc lại rằng, trước khi đi luân chuyển cán bộ, ông Nam còn ký quyết định bổ nhiệm tới 2 trưởng phòng, cùng phụ trách Phòng Chống hàng giả tại Cục

Quản lý Thị trường. 6 tháng sau, sự việc này mới được phát hiện, thời điểm này, lãnh đạo của Cục Quản lý Thị trường cho biết, trong quá trình soạn thảo văn bản có những sai sót thuộc lỗi kỹ thuật nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Nói về việc xử lý đối với vụ “bê bối” về thi tuyển công chức nói trên, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Nhắc đến sai phạm ở Cục Quản lý Thị trường, phải khẳng định là sai phạm rất rõ ràng và nghiêm trọng. Lẽ ra vụ việc này phải được khởi tố chứ không chỉ dừng lại ở việc chuyển sang xử lý hành chính đối với cán bộ, công chức sai phạm”.

“Theo tôi hiểu ở đây có một sự nương nhẹ. Chỉ đến lúc tôi kiến nghị với Bộ Nội vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc, họ kết luận sai phạm, yêu cầu hủy toàn bộ kết quả thi công chức tại Cục Quản lý Thị trường. Sau đó, Bộ Công Thương có tổ chức thi tuyển lại, nhưng thực ra cũng chỉ để hợp lý hoá kỳ thi công chức sai phạm trước đó, nhằm tránh bị thí sinh đã được tuyển dụng trước đó kiện tụng.”, ông Cương nói.

Với vụ việc trên, lại một lần nữa, cần phải nhìn lại vai trò, trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - với vị trí là người đứng đầu ngành Công Thương, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương. Bởi với một sai phạm khá nghiêm trọng như vậy, ông Hoàng đã không đưa có những quyết định, chỉ đạo xử lý nghiêm minh tương xứng với các sai phạm đã xảy ra, đã được kết luận. Ở trường hợp ông Trương Quang Hoài Nam, khi xảy ra những sai phạm đó, đã bị kỷ luật nhưng vẫn được luân chuyển đi địa phương làm lãnh đạo thì về mặt bản chất, không khác gì nhiều với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo Dân trí 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến