Thí sinh F0, F1 sẽ được tuyển thẳng
Theo phương án mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra và đã được thành phố phê duyệt, thí sinh thuộc diện F0, F1 được tuyển thẳng vào trường công lập mà thí sinh đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Theo thống kê, năm học này (2020 - 2021), toàn Hà Nội có 93.362 học sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tính tới ngày 31/5, không có học sinh lớp 9 nào thuộc diện F0, 11 học sinh thuộc diện F1.
11 học sinh F1 này sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10 theo nguyện vọng đã đăng ký. Tính ra số này chỉ chiếm 0,01178% tổng số thí sinh (1/10.000). Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định số thí sinh F0, F1 được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên sẽ không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các trường.
Ông Chử Xuân Dũng kết luận cuộc họp sáng 3/6. Ảnh: HNP.
Trong cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 sáng 3/6, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã phân tích, làm rõ nội dung mới được điều chỉnh trong phương án tuyển sinh lớp 10, đặc biệt về phương án xét tuyển đối với thí sinh thuộc diện F0, F1 và F2.
Thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ được tuyển thẳng vào trường công lập có nguyện vọng đăng ký dự tuyển.
Nhóm 2 là những em thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của COVID-19. Những thí sinh này sẽ được áp dụng phương thức xét tuyển. Nhóm 3 là những em còn lại, được phép dự thi.
Quyết định trên dựa theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội.
"Việc tuyển thẳng không tính vào các chỉ tiêu được giao. Phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, các lực lượng phục vụ kỳ thi. Trưởng Ban chỉ đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1 và xét tuyển với F2 đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Phải thực hiện nghiêm chính sách một cách chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách", Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết.
Làm sao để đảm bảo sự nhân văn, tính công bằng?
Việc Hà Nội tuyển thẳng học sinh là các F0, F1 vào lớp 10 đã tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của nhiều người. Nhưng để không xảy ra tiêu cực, lợi dụng chính sách thì cần phải minh bạch, rõ ràng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, ngành Y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét nghiệm và cấp giấy xác nhận F0, F1, F2 cho thí sinh. UBND TP có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực trong việc này và cả kỳ thi.
Để bảo đảm công bằng cho các thí sinh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đã chỉ đạo các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định các trường hợp dương tính (F0) và đơn vị xác nhận những trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính là F1 phải bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đối với trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) và được cách ly tại nhà cho đến khi F1 liên quan âm tính thì F2 này hết cách ly. Còn đối với các thí sinh trong khu vực phong tỏa sẽ theo quyết định cụ thể của chính quyền địa phương về nơi cách ly.
Ảnh minh họa
Đại diện Sở GD&ĐT cho rằng, phương án nói trên là một trong các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và những người làm thi, đồng thời bảo đảm được quyền lợi của tất cả các đối tượng học sinh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thành phố, đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Việc Hà Nội tuyển thẳng học sinh là các F0, F1 vào lớp 10 đã nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ của các bậc phụ huynh và chuyên gia.
Chị Nguyễn Thu Hà, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phụ huynh có con chuẩn bị dự thi vào lớp 10 chia sẻ: "Kỳ thi ngày càng đến gần, lại diễn ra vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khiến nhiều phụ huynh, học sinh áp lực, lo lắng. Những cháu ở nhà học, ôn thi online đã vất vả một thì những cháu đang phải cách ly trong các khu tập trung càng khó khăn, thiếu thốn gấp mười lần. Việc ở trong khu cách ly trong thời tiết nắng nóng, không dùng điều hòa, mạng Internet chập chờn thì rất khó cho các cháu tập trung ôn thi, không kể tâm lý luôn lo lắng mình có dương tính không, không biết mình có làm lây cho ai không... sẽ thấy rằng việc tuyển thẳng này là hợp lý, công bằng, nhân văn và đảm bảo quyền lợi của các cháu".
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu quan điểm: "Khi đăng ký nguyện vọng, bản thân các em đã phải cân nhắc phù hợp với năng lực của mình. Bên cạnh đó, khi không tham gia vào kỳ thi vì lý do bất khả kháng như dịch bệnh, việc đặc cách vẫn đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Với những thí sinh có "F", đều được kiểm tra y tế và có giấy xác nhận, như vậy có nghĩa Sở Y tế sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính minh bạch của vấn đề này. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều sự giám sát từ bạn bè, người thân, cộng đồng, nên phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng.
Tôi cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội có thể nới thêm chỉ tiêu cho các trường nhận học sinh F1, F2 để đảm bảo không ảnh hưởng đến tỉ lệ chọi và quyền lợi của những thí sinh khác".
Thầy Trần Mạnh Tùng khuyên, thời gian này, thí sinh nên tập trung ôn tập, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, các bậc cha mẹ cũng cần đồng hành, động viên, trấn an tâm lý để con yên tâm bước vào kỳ thi quan trọng.
Về giả thiết xuất hiện tiêu cực khi "chạy F1 để được tuyển thẳng", thầy Vũ Viết Đức, giáo viên môn Vật lý cho rằng, để "được" vào danh sách F1 cần có những văn bản, thông báo rõ ràng, minh bạch, được giám sát từ cơ quan chức năng, từ hàng xóm, láng giềng, từ bạn học thầy cô chứ không phải đơn giản một mình "chạy bệnh" để tuyển thẳng.
Còn theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, việc lãnh đạo TP Hà Nội quyết định tuyển thẳng học sinh là các F0, F1 vào lớp 10 là rất tốt, phù hợp với tình hình và thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, những cơ quan hữu quan cần phải rà soát và thực hiện chính sách ưu tiên này thật công bằng, minh bạch và chính sách; tránh để "khe hở" bị lợi dụng gây bức xúc dư luận.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Phạm Quỳnh Trang (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho biết, luật quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên cho thí sinh được quy định như sau tại Quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm theo thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung năm 2018 và năm 2019.
Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng sau đây:
- Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;
- Học sinh là người dân tộc rất ít người;
- Học sinh khuyết tật;
- Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo Luật sư Trang, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì thí sinh thuộc diện F0 và F1 mặc dù không nằm trong danh sách các đối tượng được tuyển thẳng quy định trong Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT nhưng vẫn được xét đặc cách tuyển thẳng là phù hợp với tình hình.
Hiện tại, các Sở GD&ĐT đang áp dụng quy định này dựa trên "phương án" hoặc "quy chế" của chính Sở GD&ĐT ban hành. Để áp dụng phương án này một cách rộng rãi trên cả nước thì cần Luật hoá bằng các quy định tại Thông tư (có thể bổ sung quy định này vào Thông tư hiện đang được áp dụng).
Luật sư cũng nêu quan điểm, để ngăn chặn nguy cơ gian dối nhằm trục lợi chính sách thì Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ bằng các Văn bản hướng dẫn mang tính bắt buộc chung…
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm học 2021-2022 trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 buổi sáng ngày 12 và 13/6 với 4 môn thi. Thời gian làm bài thi đối với môn Ngữ văn và Toán rút ngắn từ 120 phút xuống còn 90 phút; môn Ngoại ngữ và Lịch sử rút ngắn từ 60 phút xuống còn 45 phút. Do giảm thời gian làm bài cho nên số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn Ngoại ngữ (không chuyên) và môn Lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi, giảm bớt 10 câu/đề thi so với kế hoạch trước đó. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dù giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề thi để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu về công tác tuyển sinh của các trường. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thanh Nhàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy