Kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản vẫn đang là điểm đến chủ yếu của dòng tiền. Ảnh: Shutterstock.
Từ tâm lý kỳ vọng…
Trò chuyện cùng nhà đầu tư Nguyễn Kim Sáng (Hà Nội) về triển vọng thị trường tháng 7/2021, anh Sáng cho biết, tháng 7 mọi năm, thị trường thường có sự phân hóa rõ rệt. Nhóm ngành có báo cáo kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu sẽ tăng giá. Ngược lại, nhóm ngành có kết quả kinh doanh kém sẽ kéo giá cổ phiếu đi xuống.
Theo anh Sáng, hiện tại có sự khác biệt trong mối quan tâm của nhà đầu tư cũ (Fn) và mới (F0) với mùa báo cáo tài chính bán niên 2021. Nhóm Fn quan tâm đến báo cáo này, còn nhóm F0 khá thờ ơ, chủ yếu tham gia đầu tư theo xu hướng: thị trường lên sẽ mua nhiều, thị trường đi ngang thì hạn chế giao dịch, hoặc thấy cổ phiếu nào đó có diễn biến tăng sẽ tham gia đầu tư mạnh…
Cụ thể hơn, nhà đầu tư Fn tập trung phân tích sức khỏe doanh nghiệp, kế hoạch, triển vọng kinh doanh, trong khi nhà đầu tư F0 chủ yếu nhìn vào dòng tiền, diễn biến giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu.
Trước cam kết của một lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc cải thiện hệ thống giao dịch, anh Sáng chia sẻ niềm tin rằng, trong tháng 7 này, hệ thống và thị trường sẽ khởi sắc. Bởi lẽ, sự tham gia của FPT sẽ giúp hệ thống vận hành trơn tru, không còn bị nghẽn lệnh như trước, thanh khoản có thể đạt 30.000 - 32.000 tỷ đồng/phiên.
Tâm lý kỳ vọng có thể khiến thị trường tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc của những nhóm ngành, lĩnh vực có kết quả kinh doanh khả quan.
Tương tự, nhà đầu tư Phạm La Thăng (Hà Nội) đặt lòng tin vào FPT - đơn vị được giao “vá lỗi” hệ thống giao dịch của HOSE, bởi anh từng làm việc tại FPT. Theo đó, hệ thống giao dịch sẽ được vận hành tốt. Việc hệ thống được cải thiện sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Dự báo, giai đoạn đầu có khoảng 20 - 30% nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường quay trở lại giao dịch thăm dò, khi hệ thống vận hành tốt sẽ thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư nhóm này và cả nhà đầu tư mới.
“Không phải nhà đầu tư nào cũng tin, biết về năng lực của FPT khi sửa lỗi cho hệ thống giao dịch, còn tôi là dân kỹ thuật nên tin tưởng việc này sẽ thành công và thị trường có chuyển biến tích cực”, anh Thăng nói.
… Đến thời điểm thích hợp để tái cơ cấu danh mục
Ông Trần Minh Tuấn, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, tâm lý chung của thị trường là mong đợi báo cáo tài chính bán niên 2021 của các doanh nghiệp, nhằm nắm bắt chính xác kết quả kinh doanh và tình hình hoạt động trong nửa đầu năm, từ đó có những động thái phù hợp với danh mục đầu tư.
Trong đó, các nhà đầu tư Fn có kinh nghiệm thị trường, khả năng phân tích báo cáo, thói quen quan sát, còn các nhà đầu tư F0 về cơ bản vẫn chạy theo và bị cuốn vào tin tức.
Ông Tuấn cho rằng, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, nhóm ngành có thể sẽ biến động lớn trước khi báo cáo tài chính bán niên được công bố. Điều này đến từ các phán đoán, kỳ vọng của nhà đầu tư về danh mục cổ phiếu đang nắm giữ: dự báo tích cực giúp giá cổ phiếu đi lên và ngược lại, dự báo tiêu cực khiến giá cổ phiếu đi xuống. Khi các thông tin chính thức được công bố, giá cổ phiếu nhiều khả năng ít biến động. Thực tế, nhóm Fn có khả năng “đọc vị” thị trường tốt hơn.
Theo ý kiến của nhiều thành viên thị trường, thời điểm hiện tại là thích hợp để thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư và câu chuyện lựa chọn cổ phiếu tiềm năng phụ thuộc nhiều vào chiến thuật “lướt sóng” hay đầu tư trung, dài hạn.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang nhận định, động lực tăng trưởng ngắn hạn của thị trường là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021, với các con số lợi nhuận hầu hết là tích cực. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhiều khả năng vẫn là những cái tên quen thuộc như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vận tải, kim loại và tư liệu sản xuất, trong đó có thép, vật liệu - hóa chất, dầu khí, xuất nhập khẩu (thủy sản, dệt may, gỗ, cảng biển, nông nghiệp, phân bón).
Trong đó, cơ sở đặt kỳ vọng vào nhóm doanh nghiệp thép là giá thép tiếp tục tăng mạnh; nhóm chứng khoán là VN-Index và thanh khoản tăng cao, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn từ mảng môi giới, tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ (margin); nhóm ngân hàng là nhu cầu tín dụng phục hồi, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay đạt 4,67%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái…
Ông Quang lưu ý, báo cáo tài chính bán niên sẽ là cơ sở để nhà đầu tư chắt lọc cổ phiếu cẩn trọng hơn và xem xét thêm về định giá trong quản trị danh mục, trong bối cảnh mức định giá trên thị trường của các cổ phiếu không còn thấp và các cổ phiếu đầu ngành đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Hiện tại, nhà đầu tư đang có xu hướng săn tìm những doanh nghiệp có khả năng lọt vào tốp đầu về tăng trưởng lợi nhuận, doanh nghiệp có ước tính kết quả kinh doanh khả quan, thay vì tập trung giữ tiền và chờ đợi kết quả kinh doanh được công bố rồi mới giải ngân.
Trong khi đó, ông Tuấn nhìn nhận, động thái chung là dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường, nhất là với nhóm F0 khi sự hấp dẫn của kênh chứng khoán trong thời gian qua khiến các “tay chơi mới” khó có thể cưỡng lại.
Cùng với đó, nhóm nhà đầu tư có thái độ đứng im quan sát, hoặc tạm rút tiền ra khỏi thị trường gần đây sẽ quay trở lại mạnh mẽ. Thực tế, thị trường sau khi có các đợt điều chỉnh ngắn là quay trở lại đà tăng, mang lại lợi nhuận cho đa số nhà đầu tư, khiến nhóm này không thể đứng ngoài cuộc chơi thêm nữa.
Ông Nguyễn Việt Quang, Chuyên gia chứng khoán Trong kịch bản hệ thống mới của HOSE đưa vào vận hành trơn tru cùng với việc các công ty chứng khoán đã qua giai đoạn giảm margin cuối tháng 6, thanh khoản thị trường tháng 7 sẽ dồi dào hơn. Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn để gia tăng nguồn vốn cho hoạt động cho vay margin cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với thị trường. Trường hợp hệ thống của HOSE gặp lỗi và rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, thị trường nhiều khả năng sẽ dao động đi ngang, tích lũy, chờ hệ thống mới vận hành ổn định. Ông Trần Minh Tuấn, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest Theo tôi, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản sẽ dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm. Xét bối cảnh chung thì đây là những ngành đang ăn nên làm ra, hưởng lợi từ đầu tư công được đẩy mạnh, dòng tiền đầu tư nhiều và giá nguyên vật liệu tăng. Đặc biệt, với việc “bí” kênh đầu tư, bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ là điểm đến chủ yếu của dòng tiền, tạo nên sức hấp dẫn cho doanh nghiệp các nhóm ngành này đang niêm yết. |
Tác giả: Thành Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy