Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa, nhưng khó đầu tư hơn
15/03/2022 12:12:25
Năm 2022, TTCK sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn song vẫn còn nhiều cơ hội khi các tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về đà hồi phục kinh tế Việt Nam.

Sau năm 2021 tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2022 diễn biến "kém sáng". Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, chưa tìm kiếm được động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều biến số khó lường cả trong và ngoài nước.

Ở thị trường quốc tế, rủi ro địa chính trị tăng cao khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 khiến giá dầu thô tăng lên mức kỷ lục 130 USD/thùng. Các loại hàng hoá cơ bản khác cũng tăng phi mã do đứt gãy nguồn cung. Nguy cơ lạm phát tăng cao trên toàn thế giới. Tại Mỹ, CPI tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất trong 40 năm qua, dẫn tới tín hiệu thắt chặt tiền tệ sớm và mạnh hơn của FED. Thắt chặt tiền tệ cũng là chính sách chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới, sau 2 năm nới lỏng mạnh mẽ để phục hồi kinh tế.

Việt Nam lại vừa mới chấp thuận chính sách kích thích kinh tế thông qua gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng vào đầu năm nay. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, với áp lực lạm phát cả trong và ngoài nước, lãi suất đang có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, sau đà tăng mạnh trong năm ngoái, không ít cổ phiếu đã tăng bằng lần, mặt bằng giá đã được đẩy lên cao.

Những thực tế này dẫn tới băn khoăn của nhà đầu tư rằng thị trường có còn nhiều dư địa tăng trưởng, những nhóm ngành nào có tiềm năng tăng trưởng tích cực/ định giá còn hấp dẫn? Ngày 15/3, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022". Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng thảo luận, trao đổi và làm rõ hơn các cơ hội đầu tư, cũng như chỉ ra những rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững, đóng góp ý kiến cho cơ quan quản lý nhà nước...

Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

Tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng 2022 sẽ là năm khó khăn, phức tạp cho thế giới và Việt Nam. "Thị trường chứng khoán năm nay đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm ngoái. Năm ngoái là yếu tố dịch bệnh thì năm nay không chỉ có dịch bệnh mà là cả địa chính trị nên thị trường sẽ có bước tăng giảm mạnh đan xen" - bà Bình nói.

Theo bà Bình, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế do giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng mạnh. Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền dần dịch chuyển trở lại khu vực sản xuất kinh doanh, có thể thị trướng chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021.

Bà Tạ Thanh Bình cho rằng 2022 sẽ là năm khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam.

Vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các biến động thị trường thế giới. "Trước khả năng diễn biến phức tạp của thị trường, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản sẽ chậm lại" - bà Bình cho hay.

Theo nhận định IMF, nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất. "Mặt bằng lãi suất tăng sẽ là lực cản với thị trường chứng khoán" - bà Bình nhận định.

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng vẫn còn dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, khi Chính phủ mở cửa thì sẽ có tác động tốt lên những nhóm ngành ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất chưa có những thay đổi mạnh trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn được giữ lại trên thị trường. "Đặc biệt sự quan tâm của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì trong năm nay" - bà nhận định.

Năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn

Trong khuôn khổ toạ đàm, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS cho rằng năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.

Ông Lưu Đức Khánh chỉ ra dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh chóng tại Châu Âu và Châu Mỹ. Ngoài ra, Ngân hàng Goldman Sachs, World Bank, IMF đều có báo cáo điều chỉnh hạ tăng trưởng GDP các khu vực Châu Âu, Mỹ, Nhật do cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng, áp lực lạm phát tăng mạnh ở nhiều khu vực, kinh tế trên thế giới.

Năm 2022, giá nguyên liệu hàng hóa dầu tiêu chuẩn Brent, WTI, chỉ số hàng hóa Nikkei, đồng, sắt và giá xăng dầu, than… đồng loạt tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều giảm.

"Tôi lo ngại lạm phát ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý II, quý III/2022" - ông nói.

"Các nhà đầu tư rất quan tâm tới động thái của FED. Chúng ta có thể thấy không có sự điều chỉnh lãi suất quá lớn, mà nhỏ giọt mỗi lần 0,25%, nhưng việc tăng lãi suất đều đặn từ 5-7 lần trong năm nay thì cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi" - ông nói thêm.

Ông Lưu Đức Khánh cho rằng năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn.

Ông Lưu Đức Khánh cũng chỉ ra các tác động tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo - xuất khẩu, FDI tăng khá; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi.

Trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo VMARD, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD.

Năm 2022, câu chuyện đầu tư công sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về đà hồi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.

Về vấn đề khối ngoại, ông Khánh cho biết cả năm 2021, khối ngoại chỉ mua ròng tháng 7. Đầu năm nay, họ tiếp tục bán mạnh và đã bán gần 7.900 tỷ đồng cả năm 2022 và bán ròng 4.823 tỷ đồng riêng tháng 3/2022. Thời gian tới cần theo dõi thêm để có thể nắm bắt tình hình.

Trong năm tới, ông Khánh dự báo không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực. Theo ông, đó có thể là các ngành như: xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón, hóa chất, thép, cao su tự nhiên...

Tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK

Tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình cho biết, nhằm bảm đảm thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển công bằng, minh bạch và ổn định, UBCKNN sẽ tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp trung và dài hạn.

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững; tăng cường vai trò giám sát tuyến 1 của Sở giao dịch Chứng khoán trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu công ty chứng khoán tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến