Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán khởi sắc, cơ hội để ngân hàng thoái vốn
18/11/2017 12:39:43
Theo lộ trình, trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải lên kế hoạch và thực hiện thoái vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Song vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì TTCK năm qua không tích cực, nên việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, TTCK đã có nhiều khởi sắc. Theo các chuyên gia trong ngành, đây là cơ hội tốt để các ngân hàng đẩy mạnh thoái vốn, hạn chế sở hữu chéo.

Ảnh minh họa.

Vietcombank cho biết, sẽ thoái vốn tại 5 tổ chức tài chính là MB, Eximbank, OCB, Saigonbank và Công ty Tài chính Xi Măng (CFC) trong thời gian tới. Cụ thể, ngày 20/11, tại HNX, Vietcombank sẽ bán đấu giá phần vốn góp 66 tỷ đồng (6,6 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/CP) tương đương 10,9% vốn điều lệ tại CFC, mức giá khởi điểm 11.549 đồng/CP, đồng thời thoái 132,5 tỷ đồng vốn góp tương đương 4,3% vốn điều lệ tại SaigonBank, mức giá khởi điểm 12.550 đồng/CP.

Vietcombank kỳ vọng, trước mắt sẽ thoái xong vốn tại OCB, Saigonbank và CFC trong gần 2 tháng cuối năm. Được biết, giá trị 3 khoản đầu tư này vào khoảng 100 tỷ đồng.

Với phần vốn tại MB và Eximbank, theo Vietcombank, đây là 2 khoản đầu tư giá trị nhất đối với Ngân hàng, nếu thoái thành công sẽ mang về khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, nên việc thoái vốn sẽ thực hiện vào đầu năm tới để kết toán khoản lợi nhuận này trong năm 2018. Hiện Vietcombank đang nắm khoảng 7% vốn của MB và 8,19% vốn của Eximbank.

Trước đó, thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2014, Vietinbank đã giảm bớt sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai.

Trong khi các ngân hàng lớn đẩy mạnh thoái vốn, thì tại nhóm ngân hàng nhỏ hơn, hoạt động này vẫn im ắng. Đơn cử, Eximbank chưa “đả động” trở lại kế hoạch thoái toàn bộ 8,76% vốn tại Sacombank kể từ sau khi bất ngờ rút lại kế hoạch này trong kỳ Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4 năm nay do chưa tìm được đối tác chuyển nhượng thích hợp.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, có thể thu về hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.

TS.Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, thời gian qua, do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu xuống thấp, trong khi còn phải tập trung xử lý nợ xấu, nên hoạt động thoái vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Nhưng nay thị trường đã khởi sắc trở lại và đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh việc thoái vốn.

Theo ông Thuận, đối với các ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu, trước áp lực thoái vốn của cổ đông lớn, thì cách tốt nhất là tìm kiếm đối tác để tiến hành M&A, bởi đây là con đường ngắn và phù hợp nhất để các ngân hàng này nâng cao năng lực, đồng thời xóa được tình trạng sở hữu chéo.

Thực tế, trên thị trường đã có ngân hàng áp dụng hình thức này. Đơn cử, Maritime Bank đã sáp nhập cả Mekong Bank lẫn Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu hơn 10% cổ phần. Hay như trường hợp SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MHB sáp nhập vào BIDV…

Theo ĐTCK

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến