Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán: Làm gì để công bằng, hiệu quả
21/10/2018 17:01:07
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này đã bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi lần này sẽ cụ thể hóa: Chính sách về Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). Mục tiêu là bảo đảm thị trường hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đại diện ban soạn thảo cũng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, trong đó có UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK; góp phần cho hoạt động TTCK phát triển lành mạnh, tương đối ổn định. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, UBCKNN chưa có đủ thẩm quyền để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi, như chưa có thẩm quyền trong việc xem thông tin dòng tiền, sao kê điện thoại cuộc gọi đến và đi để xác minh mối liên quan… nên kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

“Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân tối đa là 1.000.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 2.000.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại một số lĩnh vực đặc thù (trong đó có lĩnh vực chứng khoán) có quy định khác tại luật tương ứng. Nếu Luật Chứng khoán không quy định về mức phạt tiền tối đa cao hơn mức phạt tối đa chung cho các lĩnh vực theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chưa đủ tính răn đe và phòng ngừa vi phạm”, bà Phương cho biết.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này đã bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như: yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm giải trình, đối chất... Dự án luật quy định cho phép thành lập cơ quan Thanh tra chứng khoán là thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và TTCK. Theo đó, thanh tra chứng khoán có chánh thanh tra, các phó chánh thanh tra và các thanh tra viên.

Thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBCKNN và hướng dẫn về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính, hoạt động theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định tại luật này. Thanh tra chứng khoán có các nhiệm vụ và quyền hạn: thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị chủ tịch UBCKNN quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Đặc biệt, liên quan đến quy định phối hợp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK, dự thảo luật quy định trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên TTCK, UBCKNN có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;  Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sau khi được chủ tịch UBCKNN phê duyệt; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

Đối với mức phạt, dự kiến luật sẽ quy định cụ thể mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, các hình thức xử phạt bổ sung.

Để đảm bảo linh hoạt trong thực tiễn triển khai, dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền và mức độ xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, việc áp dụng các biện pháp xử lý tại luật này.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến