Chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền (Ảnh minh họa: KT)
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ phải đối mặt thêm với các yếu tố khá rủi ro, đặc biệt là biến số về suy thoái và khủng hoảng vẫn chưa đi qua. Mặc dù thị trường không tích cực nhưng vẫn có những nhóm ngành đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Dầu khí và công nghệ vẫn là những nhóm ngành giúp nhà đầu tư thực hiện chiến lược phòng thủ và có thể là tăng trưởng.
“Khi đã bước qua chu kỳ rủi ro, suy thoái đi qua, nửa cuối năm là giai đoạn giữa chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Đây là giai đoạn dễ dàng để đầu tư, càng mở rộng danh mục càng có hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định, đồng thời cho rằng “Nhà đầu tư (NĐT) nên bắt đầu có suy nghĩ đầu tư vào các quỹ ETF (quỹ hoán đổi chỉ số). Giống như Warren Buffet thường xuyên khuyên các NĐT rằng nên đầu tư vào các chứng chỉ ETF bởi nó giúp đầu tư theo thị trường. Bên cạnh đó là chi phí quản lý thấp hơn, từ đó, mang lại hiệu suất tốt hơn cho NĐT. Đặc biệt, với các NĐT không chuyên càng nên sử dụng dịch vụ này”.
Có cái nhìn kém lạc quan hơn, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup dự báo, kinh tế 2024 vẫn phục hồi tương đối chậm, do kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính như EU, Mỹ vẫn tiêu cực. Vì vậy, chưa thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh đến từ khu vực tiêu dùng nước ngoài. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản - có thể cuối năm nay mới có sự phục hồi rõ nét. Do đó, nhìn tổng thể, chưa thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 bứt tốc mạnh.
Ông Trần Ngọc Báu cho rằng, câu chuyện triển vọng của thị trường vào cuối năm nay và năm 2024 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng về lãi suất (chi phí vốn) và câu chuyện phục hồi về lợi nhuận. Nếu như nhìn vào có thể thấy xu hướng giảm lãi suất đã đi đến giai đoạn cuối và gần như không thể giảm hơn. Do đó, TTCK nên được phải phụ thuộc vào câu chuyện của lợi nhuận.
“Nhìn vào quý IV/2023, các doanh nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng bởi vì quý IV/2022, khu vực sản xuất và thương mại chịu ảnh hưởng rất nặng nề nên lợi nhuận rất thấp. Tuy nhiên, trong quý I và quý II/2024, lợi nhuận sẽ về mức bình thường. Khi đó thị trường có thể điều chỉnh. Đến quý III, quý IV/2024, yếu tố lợi nhuận sẽ hỗ trợ thị trường tốt hơn”, ông Trần Ngọc Báu phân tích.
Tổng Giám đốc WiGroup dự báo, nếu xét về tổng thể, từ đầu năm đến giữa năm, bối cảnh chung sẽ giảm. Nhưng tổng thể cả năm, nếu xét từ yếu tố chi phí vốn và lợi nhuận kinh doanh sẽ ủng hộ TTCK tăng nhưng không tăng mạnh.
“Tài sản muốn tăng thì tiền phải ở trong trạng thái dư thừa, càng dư thừa thì giá trị tài sản càng tăng. Năm 2024 dự kiến sẽ là năm có chính sách tiền tệ trung lập nên chúng ta không nên kỳ vọng được một thị trường thực sự khả quan mà sẽ là một trạng thái tăng nhẹ”, Tổng Giám đốc WiGroup đánh giá.
Cùng quan điểm ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cũng kỳ vọng TTCK năm 2024 sẽ tăng. Tuy vậy, có thể mức tăng của chỉ số chung sẽ không cao như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, theo dự báo của SSI là 17%. Điều này do nhóm các cổ phiếu như: bất động sản, ngân hàng, họ Vingroup chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa thị trường.
Bên cạnh đó, một số yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như: kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX, giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường. Với việc khó có dư địa để lãi suất giảm hơn nữa, việc dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia sẽ chững lại một chút.
“Việc chưa có đảo ngược chính sách, chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền hơn bất động sản hay trái phiếu. Do vậy, dù lượng tiền mới có thể không mạnh như năm nay nhưng vẫn còn. Đồng thời, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam cũng sẽ thu hút thêm lượng tiền từ nhà đầu tư ngoại”, ông Đào Minh Châu cho hay.
Nhóm ngành nào có triển vọng trong năm 2024?
Về nhóm ngành có triển vọng trong trung và dài hạn, ông Đào Minh Châu cho biết, chứng khoán, bất động sản, thép là ba nhóm có thanh khoản cao.
Với nhóm thép, giá cổ phiếu thép tăng trước giá thép hay lợi nhuận doanh nghiệp. Nguyên nhân là do nhóm thép có hệ số beta cao, cho thấy sự tương quan cổ phiếu thép với chứng khoán. Thứ hai là một số nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn hơn khi giá thép đã về đáy, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục trong những năm tới.
Chứng khoán, bất động sản, thép là ba nhóm có thanh khoản cao (Ảnh minh họa: KT)
“Với bất động sản, nhóm này vẫn còn thách thức ít nhất cho đến giữa 2024. Lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn vẫn còn lớn (khoảng 200.000 - 300.000 tỷ đồng trong vài năm tới). Những con sóng nếu có sẽ không phải là những con sóng lớn với thị trường bất động sản. Cơ hội mang tính nhỏ lẻ có thể đến cho các đơn vị có quỹ đất sạch, được cấp mới”, ông Đào Minh Châu dự báo.
Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng có kỳ tăng trưởng tốt trong 2024 như: phân bón, bán lẻ hay thủy sản.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, khi thị trường đang ở giai đoạn đầu hồi phục, nhóm ngành tài chính, bất động sản thông thường là nhóm ngành có tỷ suất sinh lời cao nhất. Nếu tính trung bình trên thế giới, suất sinh lời lên tới 20%, vượt trội so với gửi ngân hàng hay mua trái phiếu. Đây cũng là nhóm chiếm thanh khoản chiếm phần lớn trên TTCK Việt Nam 9 tháng qua. Tuy nhiên, hiện thị trường đang thiếu vắng câu chuyện của cổ phiếu ngân hàng.
“Năm nay và nửa năm 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn với ngành ngân hàng khi hầu hết nhóm này phụ thuộc vào thu nhập ngoài lãi. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành bị lãng quên khác có thể nhà đầu tư cần chú ý là nhóm hoá chất, vận tải, dầu khí, đặc biệt là nhóm dịch vụ dầu khí”, ông Nguyễn Thế Minh lưu ý.
Tác giả: Diệp Diệp