Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán tăng vọt, cuộc sống người dân Mỹ sung túc hơn?
17/09/2020 16:54:32
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định việc thị trường chứng khoán tăng cao là điều tốt đẹp với mọi người dân Mỹ, bởi 'tất cả đều sở hữu cổ phiếu'.

Theo CNN, Tổng thống Trump cho rằng việc giá cổ phiếu tăng vọt trong thời gian qua bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ là bằng chứng cho thấy phần lớn người dân Mỹ vẫn đang sống khỏe. "Mọi người đều sở hữu cổ phiếu", ông Trump tuyên bố trên ABC News.

"Thị trường chứng khoán đang phát triển tuyệt vời và điều đó tốt cho tất cả. Nhiều người không giàu vẫn sở hữu cổ phiếu và họ có tài khoản lương hưu", tổng thống Mỹ khẳng định.

Tuy nhiên, CNN dẫn lời một số chuyên gia kinh tế khẳng định hàng triệu người Mỹ không cảm nhận được sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 52% hộ gia đình Mỹ đầu tư ở mức nhất định vào thị trường chứng khoán, chỉ khoảng 14% hộ gia đình đầu tư trực tiếp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhấn mạnh về khả năng phục hồi của nền kinh tế (Ảnh: Reuters) 

Nhà giàu hưởng lợi

"Việc coi thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đánh giá cuộc sống của tầng lớp trung lưu là hoàn toàn sai lầm", CNN dẫn lời ông Edward Wolff, giáo sư Đại học New York, giải thích.

Theo ông Trump, việc thị trường chứng khoán phục hồi không chỉ có lợi cho người giàu. "Điều đó có lợi cho tất cả, có lợi cho những người sở hữu 10.000 USD cổ phiếu ở IBM hay bất cứ công ty nào khác", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người giàu hưởng lợi lớn hơn nhiều từ thị trường chứng khoán. Khi giá cổ phiếu tăng, các gia đình giàu có nhất hưởng lợi nhiều nhất. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tính đến hết quý I/2020, khoảng 10% hộ gia đình giàu nhất sở hữu 87% cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Tỷ lệ này hồi năm 2009 là 82%.

Theo nghiên cứu của giáo sư Wolff, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu chỉ sở hữu 6,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành. "Diễn biến của thị trường chứng khoán hoàn toàn khác biệt với cuộc sống của đại đa số người Mỹ, nhất là tầng lớp trung lưu. Hầu hết người Mỹ không đầu tư vào thị trường chứng khoán", giáo sư Đại học New York bình luận.

Đại dịch đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ trượt đến bờ vực phá sản (Ảnh: Reuters)

Trên thực tế, thị trường chứng khoán chưa bao giờ phản ánh chính xác sức khỏe của nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán S&P 500 thể hiện giá trị của những công ty lớn nhất thế giới. Đó là những doanh nghiệp có nguồn lực dồi dào, hoàn toàn đủ sức vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Và các tập đoàn lớn vẫn ăn nên làm ra bất chấp việc những doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, cửa hiệu phá sản. Thậm chí, việc các doanh nghiệp nhỏ lao đao có thể giúp Home Depot và Darden Restaurants tăng thị phần. Cả hai đều thuộc chỉ số S&P 500.

Hoàn toàn mất kết nối

Có những lúc thị trường chứng khoán hoàn toàn không có bất kỳ kết nối gì với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thực. Ví dụ, chỉ số chứng khoán S&P 500 lập đỉnh ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt tại Mỹ, hàng loạt công ty phá sản.

Giới chuyên gia nhận định sự "không liên quan" một phần xuất phát từ việc FED hạ lãi suất xuống mức 0% và thông báo sẽ duy trì mức lãi suất này trong một thời gian dài. Nói cách khác, FED buộc giới đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu. Thêm vào đó, các nhà đầu tư có xu hướng "đánh hơi" thấy sự phục hồi của nền kinh tế rất lâu các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân cảm nhận được.

Thực tế cho thấy việc chỉ số S&P 500 tăng vọt hơn 50% từ mức đáy ngày 23/3 khiến giám đốc điều hành các công ty tự tin hơn rất nhiều. Sự tự tin đó tạo điều kiện cho các công ty tăng cường tuyển dụng nhân sự và đổ tiền vào nghiên cứu và sản xuất, qua đó thúc đẩy nền kinh tế thực.

Tuy nhiên, chứng khoán vẫn là một thước đo tồi tệ đối với sức khỏe tài chính của người Mỹ, đặc biệt là nhóm thiểu số. Theo FED, các hộ gia đình da màu chỉ sở hữu 1,6% cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Tỷ lệ của những gia đình gốc Latinh cũng tương tự.

Thị trường chứng khoán đôi khi còn mất kết nối hoàn toàn với nền kinh tế thực (Ảnh: Reuters)

Để so sánh, các hộ gia đình da trắng kiểm soát 92% cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Cũng theo báo cáo của FED, những người Mỹ không có trình độ đại học chỉ sở hữu 5,4% cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Hồi năm 1989, tỷ lệ này là 17%.

Theo CNN, tất cả điều này có nghĩa là sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ ngày càng nghiêm trọng hơn. "Tình trạng này làm gia tăng khoảng cách giữa tầng lớp giàu nhất và nhóm trung lưu", giáo sư Wolff nhận định.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến