Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhận định chung của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, thành viên thị trường về sự phát triển của TTCK Việt Nam thời gian qua.
Phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những năm gần đây, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về cả về quy mô, chất lượng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Về quy mô, trong vòng 5 năm, TTCK Việt Nam phát triển từ mức 30-32% GDP lên mức trên 70%GDP và đã hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ giao (70%GDP) trước cả 3 năm. Riêng năm 2017, TTCK Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 70% về mặt quy mô và tăng trưởng 48% về mặt điểm số.
Về chất lượng, nếu như cách đây khoảng 5 năm, TTCK Việt Nam chỉ có khoảng 1 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, hiện nay con số này đã lên tới trên 20 doanh nghiệp. “Xét về cả quy mô bình quân và chỉ tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng phát triển rất tốt. Trong năm 2017 và 6 tháng 2018, trên 90% doanh nghiệp niêm yết trên sàn làm ăn có lãi, mức lãi tương đối cao”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Để thị trường phát triển bền vững, bên cạnh việc chú trọng phát triển quy mô và chất lượng của thị trường, cơ quan quản lý đặc biệt chú trọng đến hoạt động thanh tra, giám sát, minh bạch trên thị trường chứng khoán. Trên thực tế, hoạt động này đã có bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt về quản trị doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành riêng Nghị định số 71/NĐ-CP về quản trị doanh nghiệp. Việc thực thi Nghị định 71/NĐ-CP làm doanh nghiệp tuân thủ chế độ công bố thông tin, chế độ kế toán, quản trị doanh nghiệp tốt hơn, tạo ra sự hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với những kết quả đã đạt được, TTCK Việt Nam đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về những thành quả của kinh tế xã hội Việt Nam năm 2018, trong đó không thể không ghi nhận vai trò của TTCK Việt Nam.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ngày 27/10/2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) bày tỏ sự phấn khởi khi tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo ông Hải, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đáng chú ý như tăng trưởng kinh tế xã hội theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay và khai thác khoáng sản; nguồn nhân lực trong nước dần được phát huy; giao dịch trên TTCK tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017…. Tại phiên thảo luận này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo ổn định và phát triển thị trường tài chính. Đến nay, nhiều chỉ tiêu trên thị trường tài chính đã “đi trước” kế hoạch 5 năm. Cụ thể, quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đã chiếm tới 80% GDP, vượt xa mục tiêu đặt ra là đạt 70% GDP vào năm 2020. Điều này đã hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Từng bước thay đổi về hình thức, chiến lược và tư duy
Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, coi đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế trong đó 3 trọng tâm quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại; cơ cấu lại đầu tư công. Do đó, ngoài nguồn lực từ NSNN và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chúng ta cần những nguồn đầu tư gián tiếp khác. Hơn lúc nào hết, TTCK dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng nhất của nền kinh tế. Định hướng, chiến lược phát triển chứng khoán đến năm 2020 chỉ rõ mục tiêu đến năm 2020, vốn hóa TTCK chiếm 70% GDP; TTCK ngày càng phải trở thành kênh huy động vốn vốn quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.
Để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có CPH DNNN, tái cơ cấu đầu tư công ngoài đầu tư của nhà nước cần kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào tái cơ cấu lại cơ sở hạ tầng cũng như tái cơ cấu lại nền kinh tế. Để khơi thông được các nguồn vốn trong và ngoài nước, kênh TTCK là kênh quan trọng và thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành đã quan tâm, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Riêng với TTCK, các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở, doanh nghiệp tổ chức, quy mô không lớn nhưng cũng đã có tác dụng nhất định tới thị trường.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, Bộ Tài chính có chủ trương mới, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo và trực tiếp thực hiện xúc tiến đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng đã chọn các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản và mới đây là Hàn Quốc là nơi tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư. Việc xúc tiến đầu tư thực chất là giới thiệu, giải thích và cam kết chính sách. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính đã có những hiệu quả rõ rệt.
Dưới góc độ thành viên thị trường, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB - một công ty chứng khoán có nhiều năm hoạt động tại thị trường Việt Nam chia sẻ: “Tôi có nhiều lần được tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Phải nói rằng, các cuộc xúc tiến đó đã đem lại những hiệu quả nhất định và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tốt. Gần đây, động thái và hoạt động của Bộ Tài chính trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn, TTCK Việt Nam được chúng tôi đánh giá sẽ có hiệu quả rất tốt cho thị trường trong dài hạn. Kể từ sau các cuộc xúc tiến đầu tư của Bộ Tài chính tại nước ngoài cho thấy, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở việc số lượng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Hiện nay, không chỉ có nhà đầu tư tại thị trường khu vực ASEAN mà còn có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, EU, Mỹ quan tâm đầu tư vào TTCK Việt Nam.”
Cũng theo ông Hà, quy mô của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam đã phát triển rất lớn, không chỉ có nhà đầu tư trực tiếp mà còn cả nhà đầu tư gián tiếp. Ngoài ra, một điểm nhấn khác là các NĐT được cải tiến về quy mô, tăng tỷ lệ sở hữu. Trước đây chúng ta chỉ có tỷ lệ 20%, 30%, 49% và gần đây đã có thông điệp liên quan nới room đến 100%. Nhà đầu tư nước ngoài đang khá quan tâm đến việc tăng tỷ lệ sở hữu này.
“Có thể nói, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam không chỉ giúp cải thiện về chất, về lượng mà còn giúp thị trường tài chính Việt Nam có hình ảnh rất tốt trong khu vực và trên thị trường thế giới”, ông Trần Hải Hà cho biết.
Ông Moon Young Tae, Tổng Giám đốc công ty TNHH chứng khoán NH Việt Nam tại buổi trả lời phỏng vấn
Với thời gian 10 năm hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam và hoạt động kinh doanh chính thức với tư cách là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài năm 2018 (sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của Bộ Tài chính tại Hàn Quốc vào đầu năm 2018), ông Moon Young Tae, Tổng Giám đốc công ty TNHH chứng khoán NH Việt Nam chia sẻ: Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi đã từng gặp nhiều vấn đề thắc mắc, cần giải đáp liên quan đến cơ chế, chính sách và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
“Tôi rất ấn tượng với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Tôi còn nhớ tại buổi Hội thảo Xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu tổ chức tại Seoul tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư Hàn Quốc và chia sẻ những điểm thu hút của thị trường Việt Nam. Có lẽ nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc như chúng tôi cũng đã bị thu hút, ấn tượng hơn với thị trường Việt Nam ngay sau hội nghị đó.”- ông Moon Young Tae chia sẻ.
Nỗ lực củng cố, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán
Có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, các nguyên nhân cơ bản là do kinh tế Việt Nam phát triển rất ổn định trong vòng 10 năm qua. Trong vòng 10 năm, tốc độ phát triển GDP bình quân đạt 6,4%/năm. Trong những năm khó khăn gần đây, GDP của Việt Nam vẫn phát triển khá ổn định. Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển GDP 6,7%/năm, lúc đầu có nhiều các nhà đầu tư lo lắng, nhưng đến giờ phút này không có một tổ chức quốc tế hay viện nghiên cứu nào nghi ngờ về khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên của Việt Nam.
Thứ hai, trong những năm qua, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ có nhiều chính sách mới kiến tạo và tạo dựng môi trường đầu tư. Những chính sách mới này được sự đón nhận hoan nhân của bạn bè quốc tế. Chính vì thế, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc tế do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác xếp hạng, Việt Nam đều có bước tiến bộ và được đánh giá cao.
Thứ ba, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong đó có cả trực tiếp, gián tiếp đều tăng và hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều có hiệu quả. Riêng năm 2017, TTCK Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 70% về mặt quy mô và tăng trưởng 48% về mặt điểm số. Hiện tại, Việt Nam đang có môi trường và cơ hội đầu tư rất tốt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Các chương trình cổ phần hóa của Chính phủ cũng đang được nhà đầu tư rất quan tâm. Chính phủ đã công bố danh sách các DNNN mà Chính phủ sẽ thực hiện CPH giai đoạn 2016 - 2020 để các nhà đầu tư xem xét, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng công khai danh sách DNNN sẽ thực hiện thoái vốn. Riêng 2018 là năm mà trong chương trình của Chính phủ sẽ CPH và thoái vốn rất mạnh, trong đó CP đã công bố rõ ràng 64 DN sẽ CPH, 181 DN Chính phủ sẽ thực hiện thoái vốn, đây là nguồn hàng mạnh cho TTCK đồng thời cũng mở ra cơ hội đầu tư lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục nỗ lực nhằm nâng cao xếp hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Vừa qua, TTCK Việt Nam có những phiên trồi sụt là do ảnh hưởng của TTCK thế giới; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cơ quan quản lý cũng đã áp dụng đồng bộ các giải pháp; theo sát, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường thế giới.
“Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, TTCK Việt Nam vẫn là TTCK tăng trưởng và phát triển thuộc hàng đầu thế giới theo đánh giá của các tổ chức và dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn", Bộ trưởng tin tưởng.
Theo Bộ Tài Chính
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy