Đặc điểm rất rõ nét của thị trường chứng khoán Việt Nam: dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài và rủi ro lao dốc luôn rình rập.
Những phiên thổi bay hàng tỉ đô la vốn hóa
Tuần qua chứng kiến một trong những phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số VN-Index từ đầu năm cho đến nay. Kết thúc phiên ngày 11/10, chỉ số VN-Index giảm 48 điểm, tương đương 4,84%, về mức 938,8 điểm. Phiên giảm điểm này khiến TTCK Việt Nam “bốc hơi” 165.000 tỉ đồng vốn hóa, tương đương 7,2 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, sàn HSX mất 153.500 tỉ đồng giá trị, sàn HNX và UpCom mất 10.500 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ TTCK thế giới, mà châm ngòi là TTCK Mỹ với việc chỉ số Dow Jones và S&P 500 mất hơn 3% giá trị trong phiên giao dịch ngày 10-10.
Quay ngược trở lại thời điểm đầu năm, trong ngày 5/2, chỉ số VN-Index cũng có phiên giảm hơn 56 điểm, tương đương mất 5,1% so với phiên trước, từ mức 1.105 điểm giảm xuống chỉ còn 1.048 điểm. Đây là mức giảm lịch sử kể từ tháng 8/2015 của TTCK Việt Nam. Phiên giao dịch này cũng chứng kiến sự tháo chạy của nhà đầu tư khi hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, trắng bên mua. Vốn hóa TTCK Việt Nam đã bốc hơi hơn 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là sàn HSX với 7,1 tỉ đô la Mỹ. Trong phiên giao dịch ngay sau đó (6/2), thị trường vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực khi mất thêm 37 điểm, tương đương 3,54%, kéo VN-Index xuống 1.011 điểm. Ở thời điểm ấy, nguyên nhân chính cũng được cho là ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ (chỉ số Dow Jones giảm 666 điểm, mạnh nhất từ năm 2016) do số liệu về tiền lương tại Mỹ có mức tăng trưởng rõ rệt trong tháng 1/2018 (hàm ý thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed - thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến).
Làm gì khi thị trường lao dốc?
Những phiên lao dốc mạnh như trên, mỗi khi xảy ra luôn khiến nhà đầu tư vô cùng hoang mang. Biên độ giảm điểm mạnh, cổ phiếu “nằm sàn” ngay từ thời điểm đầu phiên khiến hầu hết những người vẫn còn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao “trở tay không kịp”. Không có nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư trong tình huống này: ngậm ngùi “cắt lỗ” theo tâm lý đám đông hoặc chờ đến những phiên thị trường hồi phục trở lại để bán ra giảm tỷ trọng. Cũng có nhà đầu tư vì quá “đau xót” cho danh mục nên quyết định chuyển từ mục tiêu đầu tư ngắn hạn sang dài hạn.
Sau phiên lao dốc vừa qua, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu những phiên hồi phục có là “bull trap” (bẫy tăng giá) hay VN-Index đã thật sự xác lập được “đáy”?
Ở phía bi quan, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lo ngại về những rủi ro mang tính ngoại biên như kinh tế và TTCK Mỹ đã đạt đỉnh và bắt đầu bước vào chu kỳ suy giảm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước khiến thời kỳ tiền rẻ không còn, dòng vốn đầu tư sẽ có sự phân bổ lại, rút ra khỏi các tài sản mang tính rủi ro cao (điển hình là cổ phiếu). Môi trường vĩ mô trong nước cũng sẽ chịu áp lực về lạm phát, lãi suất, tỷ giá, đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Ở phía lạc quan, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng về sự khởi sắc trong kết quả kinh doanh quí 3-2018 và cả năm 2018 của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những cơ hội hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ở góc độ tăng xuất khẩu sang Mỹ, thu hút thêm vốn đầu tư FDI. Về các nhân tố mang tính thị trường, kỳ vọng được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi từ hai tổ chức MSCI và FTSE có thể giúp TTCK Việt Nam thu hút hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư gián tiếp cũng đang rất mạnh.
Có thể thấy rõ ràng VN-Index đang chịu tác động, “giằng xé” bởi cả các nhân tố tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư linh hoạt, thuận theo xu hướng chung của thị trường, tránh dựa quá chặt vào một kịch bản duy nhất.
Về phía các cơ quan quản lý, việc trấn an thị trường có thể được xem là cần thiết nhưng thực tế chứng minh tác dụng của việc trấn an này không thật sự lớn. Thậm chí, trong một số trường hợp, trấn an còn phản tác dụng. Do vậy, đối với diễn biến lao dốc ngắn hạn của VN-Index, các cơ quan quản lý khó có công cụ nào hiệu quả để chặn đà rơi của thị trường. Tuy nhiên, ở khía cạnh căn cơ và dài hạn hơn, những việc cơ quan quản lý có thể làm là rất nhiều như tăng quy mô, chất lượng hàng hóa; đảm bảo thông tin thông suốt, minh bạch; có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh hiện tượng thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián; xây dựng khung pháp lý phù hợp để thị trường phát triển cũng như hấp dẫn được dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, những phiên lao dốc ngắn hạn của cổ phiếu chưa thể ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh thực tế của họ. Việc của những doanh nghiệp này là tiếp tục tập trung vào hoạt động cốt lõi, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cho các cổ đông của mình. Khi đó, giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ được thị trường định giá ở mức phù hợp. Mọi hoạt động bơm thổi, đẩy giá cổ phiếu chỉ có thể duy trì trong một thời gian ngắn chứ khó kéo dài được trong trung và dài hạn.
Sẽ còn một chặng đường dài để TTCK Việt Nam phát triển lên mức chuyên nghiệp hơn. Và muốn tiến trình đó đến nhanh, mọi thành viên trong thị trường, từ cơ quan quản lý, các công ty niêm yết đến nhà đầu tư đều cần phải chuyên nghiệp hóa chính mình!
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy