Tâm lý thận trọng bao trùm
Thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào tuần giao dịch khó khăn với những lo ngại về sự gia tăng làn sóng lây nhiễm mới nhiều quốc gia, khiến tâm lý của giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Tại thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mức tăng thu hẹp dần, thị trường Trung Quốc điều chỉnh mạnh khi căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, việc thiếu vắng lực cầu của dòng tiền lớn cũng như nhóm cổ phiếu đủ mạnh để dẫn dắt là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống, đặc biệt là thanh khoản đang giảm dần đều.
Thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tổng giá trị giao dịch tuần qua đạt 4.193 tỷ đồng, giảm 11,5% so với tuần trước đó, đồng thời trạng thái thị trường duy trì xu hướng đi ngang trong biên độ rất hẹp.
Cơ cấu dòng tiền cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, chiếm tỷ trọng 22,3% toàn thị trường, tiếp theo là các nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng (20,6%), thực phẩm (11,2%) và nhóm cổ phiếu Vingroup (7,1%)...
Lý giải về sự lình xình của thị trường trong thời gian gần đây, theo MBS, đó là thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2020 của nhiều doanh nghiệp đang dần được công bố, khiến xu hướng dòng tiền phân hóa mạnh và nghiêng về nhóm cổ phiếu midcap có kết quả kinh doanh khả quan.
Trong khi đó, thanh khoản có xu hướng giảm ở hầu hết các nhóm chỉ số khi nhà đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo, cũng như diễn biến đi ngang của chỉ số chứng khoán khi tiệm cận các vùng kháng cự mạnh.
Bên cạnh đó, việc chốt hợp đồng phái sinh tháng 7, theo giới đầu tư, cũng là một yếu tố khiến dòng tiền dè dặt hơn, nhất là với một số cổ phiếu bluechips có ảnh hưởng đến chỉ số trên thị trường cơ sở.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, dù thị trường giảm mạnh trong phiên đầu tuần, nhưng thanh khoản vẫn thấp cho thấy nhà đầu tư đang do dự trước diễn biến hiện tại và có lẽ phần lớn đang đứng ngoài chứ chưa vội vàng hành động.
Trong ngắn hạn, thị trường được dự báo tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp, nhưng xu hướng sẽ tích cực hơn. Nếu trong các phiên tới, ngưỡng hỗ trợ quanh 860 điểm (MA20-50) được giữ vững thì khả năng VN-Index hoàn thành sóng 5 với target quanh ngưỡng 890 điểm (MA200) có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, rủi ro địa chính trị đang hiện hữu trên toàn thế giới, trong khi tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Kinh tế vĩ mô quý III có thể khởi sắc hơn so với quý II, nhưng còn xa mới được gọi là “phục hồi giai đoạn hậu Covid”.
Nếu các đối tác lớn trên thế giới, các nước đang có những giao thương, quan hệ thương mại với Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, có lẽ nền kinh tế sẽ chỉ trông cậy vào hoạt động đầu tư công, giải ngân các dự án lớn trong nước với kỳ vọng 700.000 tỷ đồng sẽ đi vào đúng nơi, đúng chỗ.
Bên cạnh đó, một số tín hiệu phục hồi từ ngành công nghiệp chế biết chế tạo, dệt may, da giầy cũng giúp mang lại sự tự tin trong quý III, với tác chỉ tiêu kinh tế được cải thiện.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhaank định, trong ngắn hạn, giai đoạn điều chỉnh chưa kết thúc vì thông tin tiêu cực nhiều hơn và đang ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, khiến dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài thị trường quan sát.
“Dù thị trường điều chỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là không có cơ hội cho các nhà đầu tư, đến từ số ít cổ phiếu đang có kết quả kinh doanh nửa đầu năm khởi sắc. Hơn nữa, việc chọn cổ phiếu vẫn quan trọng hơn so với sự tăng, giảm của các chỉ số”, ông Khánh phân tích và chia sẻ thêm, sự thay đổi tâm lý thị trường có thể đến từ những chuyển biến tiêu cực của các yếu tố ngoại biên và khi tâm lý hưng phấn không còn được duy trì, thị trường có thể chứng kiến sự rút lui của dòng tiền ngắn hạn mang tính đầu cơ.
Thiếu dòng tiền thúc đẩy thị trường trong ngắn hạn
Ở thời điểm hiện tại, dù đang vào mùa cao điểm công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và bán niên của doanh nghiệp niêm yết, nhưng dường như chưa đủ để tạo lực đẩy cho thị trường.
Ông Ngô Thế Hiển cho rằng, kết quả kinh doanh quý II và bán niên của các công ty niêm yết đã sớm được dự báo kém khả quan so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Điều này khiến thị trường mất đi động lực tăng giá và sự phân hóa giữa các nhóm ngành cổ phiếu sẽ diễn ra dựa trên kết quả kinh doanh của từng công ty cũng như từng nhóm ngành kinh doanh.
Theo ông Hiển, rất khó để tìm ra một yếu tố nào đó đủ mạnh để khiến thị trường thoát khỏi xu hướng lình xình hiện tại. Có khả năng thị trường sẽ giao dịch với một kịch bản trung tính với biên độ dao động trong khoảng 830-890 điểm trong quý III/2020.
Diễn biến này khá tương đồng với xu hướng của cùng kỳ năm trước và phải đợi đến quý cuối năm, thị trường mới thực sự quay trở lại xu hướng tăng, giảm rõ ràng hơn.
Cùng góc nhìn thận trọng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giai đoạn đi ngang kèm thanh khoản thấp trong giai đoạn hiện tại khi dòng tiền vẫn đang có sự phân hóa trong mùa thông báo kết quả kinh doanh quý II/2020.
Yếu tố giúp thị trường thoát khỏi giai đoạn đi ngang hiện tại chủ yếu là dòng tiền. Thị trường đang kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm quay trở lại sau khi các doanh nghiệp hoàn tất việc công bố kết quả kinh doanh quý II/2020.
Đây cũng là lúc nhà đầu tư sẽ có bức tranh tổng thể về mức độ tác động của dịch Covid-19 lên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2020 đã sớm được dự báo kém khởi sắc, song vẫn có một số nhóm ngành ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, tiêu biểu như nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, hay nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển đầu tư của dòng vốn FDI…
Câu hỏi đặt ra đối với nhà đầu tư lúc này là làm sao tận dụng nhịp điều chỉnh này để gom được những cổ phiếu tốt, tích lũy cho giai đoạn nửa cuối năm.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với yếu tố rủi ro ngoại biên gia tăng, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn.
Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên thận trọng, thu hẹp danh mục và chỉ tập trung vào những cổ phiếu với nền hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế…
Gợi ý về nhóm cổ phiếu tiềm năng, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư chú ý tới nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, thép, xi măng với câu chuyện đầu tư công; nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may với Hiệp định EVFTA; nhóm ngành năng lượng với việc nhu cầu năng lượng ở mức cao…
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy