Dòng sự kiện:
Thị trường duy trì tâm lý thận trọng với xu hướng hồi phục chậm
08/04/2023 12:18:44
Thị trường chứng khoán kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại trong bối cảnh chi phí cơ hội giảm xuống, điều kiện tín dụng nới lỏng giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý tới.

 

Tuần quan, VN-Index ghi nhận mức tăng 0,5% so với tuần trước và đóng cửa tại 1.069,7 điểm. (Ảnh: Vietnam+)

Sau 2 tuần đi lên liên tiếp, thị trường chứng khoán tuần qua đã rung lắc mạnh do áp lực chốt lời ngắn hạn.

Theo đó, VN-Index ghi nhận mức tăng 0,5% so với tuần trước và đóng cửa tại 1.069,7 điểm. Trong khi, chỉ số HNX-Index và UpCoM-Index tiếp tục tăng mạnh lên mức 211,6 điểm (tăng 2%) và 78,2 điểm (tăng 1,8%).

Áp lực bán chiếm ưu thế

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho biết sau khi thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ một số lãi suất điều hành, thị trường chào tuần mới vằng một phiên giao dịch bùng nổ, VN-Index tăng 14,6 điểm lên mức 1.079,3 điểm.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã nhanh chóng quay trở lại, khiến thị trường đảo chiều với 3 phiên giảm và một phiên tăng trong tuần.

Theo ông Hinh, thị trường chứng kiến sự bùng nổ về thanh khoản với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn đạt 15.787 tỷ đồng/phiên, tăng 34% so với tuần trước. Trong đó, khối ngoại tiếp tục gia tăng giá trị bán ròng trên sàn HoSE lên mức 736 tỷ đồng, tăng 406% so tuần trước. Họ cũng bán ròng 44 tỷ đồng trên sàn HNX và mua ròng 3 tỷ đồng trên sàn UpCoM.

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến sự phân hóa ngay trong các nhóm ngành. Cụ thể tại nhóm ngành ngân hàng, các mã vốn hóa lớn đã hứng chịu sự điều chỉnh, như VCB (-1,5%), BID (-1,2%), và VPB (-0,7%). Trong khi đó, những ngân hàng có vốn hóa thấp lại có đà tăng giá tích cực, như TCB (+4,2%), TPB (+4,1%) và SHB (+7,9%).

Tương tự với ngành bất động sản, các mã VHM và VIC đều giảm trong khi các cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ hơn lại tăng giá khá mạnh, như NLG (+9,3%), DIG (+25,9%), NVL (+5,5%) và BCG (+25,5%).

Trên bối cảnh thanh khoản được cải thiện, nhóm chứng khoán cũng có đà tăng ấn tượng như BSI (+15,6%) và SSI (4,7%).

Xu hướng tăng trưởng chậm

Đúng như kỳ vọng của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục có một đợt cắt giảm lãi suất điều hành vào chiều ngày 31/3 đồng thời áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước mua thêm được khoảng 800 triệu USD dự trữ ngoại hối trong tuần qua. Những thông tin này cho thấy xu hướng đảo chiều của chính sách tiền tệ đã rõ nét.

Trên cơ sở đó, ông Hinh kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh chi phí cơ hội giảm xuống, điều kiện tín dụng dần nới lỏng và chi phí tài chính giảm giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong những quý tới.

Đối với xu hướng giao dịch tuần tới, ông Hinh nhận định VN-Index duy trì xu hướng tăng chậm rãi và hướng tới vùng kháng cự 1.080-1.100 điểm.

“Trước vùng cản mạnh, nhà đầu tư nên sự thận trọng nhất định và hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao. Chỉ xem xét mua vào cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh, ưu tiên những ngành có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm nay như đầu tư công, ngân hàng hoặc ngành ở đầu chu kỳ phục hồi như thép, vật liệu xây dựng, chứng khoán,” ông Hinh khuyến nghị.

Với quan điểm thận trọng hơn, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thị trường đang giằng co sau phiên giảm điểm về quanh 1.065. Từ những diễn biến hiện tại, thị trường nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa và nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các khu vực cao phía trên.

Theo đó, báo cáo của VCBS đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, đặc biệt là tại vùng hỗ trợ 1.055-1.060 điểm. Nhà đầu có thể tận dụng cơ hội tại các nhịp rung lắc mạnh, để cân nhắc giải ngân mua vào cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, bất động sản khi tín hiệu mua chủ động gia tăng trở lại tại các vùng hỗ trợ./.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến