Dòng sự kiện:
Thị trường tiền tệ: Cần ưu tiên gì trong năm 2019?
07/01/2019 18:04:18
Ứng phó với những bất định luôn là điều khó khăn nhất

Một năm “vượt khó” thành công

Những biến động và bất định của kinh tế toàn cầu trong năm qua đã gây áp lực lớn tới thương mại, lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Nhưng, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Có được kết quả đó không chỉ nhờ các yếu tố hỗ trợ khách quan bên ngoài (như giá dầu giảm mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm lắng), mà hàm còn nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành và phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò đóng góp của CSTT. Có rất nhiều quy định, hướng dẫn và các công cụ điều hành đã được NHNN triển khai một cách đồng bộ và linh hoạt trong năm qua, qua đó mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá.

Chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực

Xin dẫn ra đây một vài số liệu minh chứng. Theo Báo cáo theo dõi thị trường tài chính tiền tệ mà Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố, trong tháng 12/2018, NHNN tiếp tục bơm ròng 35.239 tỷ đồng, chủ yếu qua kênh tín phiếu khi có tới 28.960 tỷ đồng đáo hạn mà không thực hiện phát hành thêm, đưa số tín phiếu lưu hành về 0. Kênh mua bán kỳ hạn vẫn hoạt động mạnh với bình quân trên dưới 12.000 tỷ đồng cho mỗi chiều bơm/hút mỗi ngày, tính chung lại, NHNN bơm ròng qua kênh này 6.279 tỷ đồng, khối lượng OMO lưu hành là 51.064 tỷ đồng.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đi ngang sau đó giảm khá mạnh vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng và cũng là của năm 2018. Lãi suất kỳ hạn qua đêm trên liên ngân hàng giảm từ vùng 4,6-4,9% (và đã duy trì trong suốt gần 2 tháng qua) về mức 4,1%. Trên thị trường 1, lãi suất VND sau bước tăng mạnh từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 cũng được duy trì ổn định ở mức 4,8-5,5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,6% cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,8-8,6% cho kỳ hạn 12, 13 tháng.

“Diễn biến này cho thấy NHNN và hệ thống NHTM đã có sự phán đoán, chuẩn bị rất tốt cho nhu cầu thanh khoản cao thời điểm cuối năm cũng như trước quyết định tăng lãi suất của Fed ngày 19/12 vừa qua”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc SSI nhận định.

Trong khi đó về tỷ giá, NHNN trong tháng 12 tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm thêm 75 đồng/USD, lên mức 22.825 đồng/USD – cao hơn 400 đồng/USD tương đương 1,8% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch lại giảm mạnh trên cả thị trường ngân hàng và tự do. Cụ thể, tỷ giá chính thức giảm 110 đồng/USD về mức 23.165/23.255 và tỷ giá tự do giảm 130-135 đồng/USD về mức 23.270/23.290. Tính chung cả năm 2018, VND mất giá khoảng 2,2-2,3% so với USD, thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của nhiều đồng tiền khác như EUR, GPB, CNY, IDR (Rupiah của Indonesia) và INR (Rupee của Ấn Độ) với các mức lần lượt là 4,5%, 5,7%, 5,4%, 6,62% và 9,58%.

Áp lực giảm nhưng nỗ lực tuyệt nhiên không thể giảm

Việc CPI bình quân năm 2018 chỉ tăng 3,54% và trong bối cảnh nhiều dự báo giá dầu mỏ tiếp tục đà giảm giá trong năm 2019 cho thấy áp lực lạm phát trong năm nay sẽ không quá lớn.

Cùng với đó, theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, việc Fed đưa ra thông điệp giảm tần suất tăng lãi suất, đồng USD được dự báo ít có khả năng tiếp tục mạnh lên trong khi Trung Quốc liên tục phát đi các tín hiệu sẽ giữ ổn định đối với đồng CNY. Trong khi tăng trưởng tín dụng  trong nước nhiều khả năng tiếp tục giảm xuống… là những dấu hiệu cho thấy áp lực tăng đối với mặt bằng lãi suất trong nước cũng giảm xuống.

“Năm nay, tôi không nghĩ là sẽ có sự đột biến nào về lãi suất, thậm chí có khả năng lãi suất còn giảm nhẹ khi các áp lực giảm đi”, ông Hải nhận định. Những nhận định này ít nhất cũng đã đúng trong thực tế vài tuần vừa qua, như số liệu ghi nhận mà SSI đề cập ở trên.

Những phân tích này cũng đi tới một dự báo là áp lực đối với tỷ giá trong năm nay cũng không phải quá lớn. Tuy nhiên, các diễn biến thay đổi rất nhanh chóng của thị trường toàn cầu trong năm qua cũng cần xem là một lời cảnh báo: Môi trường có thể thuận lợi hơn, áp lực có thể giảm đi, nhưng tính bất định lại đang nổi lên. Theo các chuyên gia, ứng phó với những bất định luôn là điều khó khăn nhất.

Và trong năm nay, đối với điều hành CSTT, có lẽ ổn định tỷ giá vẫn cần là mục tiêu ưu tiên, thông qua kiểm soát thanh khoản tiền đồng. Một giả thiết cần đặt ra là trong năm nay, nếu đồng CNY tiếp tục mất giá sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất trong nước. Tuy nhiên, nhờ đã trải qua giai đoạn khó dự đoán nhất là thời điểm mới nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên kỳ vọng các thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn.

“Mức độ biến động của tỷ giá USD/VND năm 2019 vì vậy sẽ chỉ xấp xỉ như 2018. Ít có khả năng xảy ra những diễn biến giật cục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Mặt bằng lãi suất sẽ đứng ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu xuất hiện áp lực tỷ giá”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định.

Một vấn đề đáng chú ý khác là mặc dù khả năng sinh lời và chất lượng tài sản của khu vực tài chính – ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trung bình trong ngành Ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng tăng vốn cấp 1. Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những NHTM Nhà nước lớn nhất hiện nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế và là nơi CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020.

Theo ông Phạm Hồng Hải, việc thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những NĐT chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các NHTM Nhà nước. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến