Từ giữa năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều biến động, hàng loạt các vụ án lớn bị phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh, thị trường TPDN lao dốc, một thời gian gần như đóng băng. Sau giai đoạn khó khăn, thị trường TPDN từ đầu năm 2024 đã từng bước dần phục hồi. Thông tin từ Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm đã có 41 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường trái phiếu ấm dần.
Vẫn còn tình trạng DN chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu
Tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội, các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhìn nhận thực trạng thị trường TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế trung và dài hạn. Hiện nhiều quốc gia phát triển, thị trường trái phiếu đã đạt quy mô 50 - 70% GDP, một số nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Malaysia, quy mô thị trường trái phiếu lên tới 26 - 54% GDP, trong khi đó tại Việt Nam, tới cuối tháng 3/2024 mới đạt chưa tới 10% GDP, rất khó đạt mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu được Chính phủ phê duyệt về quy mô đến năm 2025 phải đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP.
Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững”
Phân tích thực trạng này, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết mục tiêu này không dễ dàng khi vừa phải quản lý thị trường chặt chẽ theo hướng bền vững, song vẫn phải tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn. “Ngoài cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu còn có đơn vị phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn và nhà đầu tư, nên rất cần nâng tính chuyên nghiệp của mỗi chủ thể”, ông Thu nêu thiếu sót.
Chỉ ra những tồn tại, rủi ro và thách thức của thị trường TPDN, ông Phạm Đức Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán trong quý IV/2024 và 2025 vẫn còn cao. Trong đó, trái phiếu nhóm DN bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu cao hơn hẳn mức trung bình thị trường khi vẫn chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, chỉ có 10.377 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, chiếm 9,09% tổng giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu riêng lẻ. Sự bất cân xứng này tiếp tục tạo rủi ro thanh khoản cho thị trường.
“Cơ cấu nhà đầu tư TPDN chưa phát triển khi các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện vẫn là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn cầu phụ thuộc khá lớn vào hệ thống NHTM làm cho thị trường trái phiếu chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế”, ông Sơn nêu.
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Tình hình tài chính không ổn định của một số tổ chức phát hành trái phiếu, thông tin tài chính thiếu minh bạch là nhận xét của ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN. Ông Hòa cho rằng, những tồn tại hạn chế này sẽ dẫn đến nguy cơ DN không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Các vụ việc DN vỡ nợ hoặc chậm trả lãi thực tế đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu. Mặc dù nay đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng sự tăng trưởng của thị trường TPDN vẫn còn chậm, nhiều DN vẫn gặp khó khăn về dòng tiền cho sản xuất kinh doanh nên tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu vẫn còn xảy ra”, ông Hòa cho hay.
Nhất thiết phải lành mạnh hóa thị trường
Từ thực tế thị trường nên rất cần các giải pháp để phát triển bền vững thị trường TPDN ở Việt Nam, ông Tô Trần Hòa gợi mở, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng, gắn với niêm yết. Khuyến khích các DN phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn. Đặc biệt, cần khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và TPDN xanh, nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho DN và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
“Cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến thị trường TPDN, như các quy định khuyến khích DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, chỉ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức. Rà soát các quy trình, thủ tục pháp lý để khuyến khích các DN chào bán trái phiếu ra công chúng. Cùng đó là tăng cường quản lý, giám sát và theo dõi việc thanh toán gốc, lãi đối với các DN có trái phiếu lớn đến hạn”, ông Hòa đề nghị.
Ông Phạm Đức Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư
Nhất thiết phải lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ông lực mong muốn từ nay đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư để phục hồi thị trường TPDN. Trong trung và dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 song hành với ưu tiên hoàn thiện thể chế. Từ đó hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, ưu tiên nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....
“Bản thân DN hay tổ chức phát hành trái phiếu cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh. Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán và thị trường TPDN. Tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp”, TS. Cấn Văn Lực nêu giải pháp đột phá.