Ảnh minh họa.
Dễ dàng gọi vốn, dòng tiền thu về từ trái phiếu cũng không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng mà các trái chủ khó có thể biết đã khiến làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bùng phát trong thời gian qua.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn."
Thực trạng này đã dấy lên những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2021 trước cơn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp một cách ồ ạt, trong khi cùng thời điểm ở quốc gia láng giềng, "quả bom nợ" siêu khủng Evergrande đã được không ít chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo, song dường như cả bên bán và bên mua vẫn đang… trong men say.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2018, các doanh nghiệp đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỷ đồng; năm 2019 phát hành đạt 312.000 tỷ đồng; năm 2020 phát hành đạt 436.000 tỷ đồng và năm 2021 phát hành đạt 722.700 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng," quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể nói, phát hành trái phiếu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong khi điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực sử dụng trái phiếu.
Không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các doanh nghiệp đang niêm yết.
Trong khi điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực sử dụng trái phiếu. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành thông báo huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để mua dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.
Mặt khác, cũng có nhiều doanh nghiệp địa ốc có sức khỏe tài chính yếu kém nhưng rất năng nổ phát hành trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn, trung bình khoảng 13%/năm. Cá biệt có doanh nghiệp đã đưa ra mức lợi nhuận lên tới 18%/năm, gấp khoảng 3 lần so với lãi suất huy động tiền gửi từ các ngân hàng.
Chuyên gia SSI Research cho rằng các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo hoàn toàn hoặc một phần bằng cổ phiếu là những "tài sản bất định," mức độ rủi ro rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu bất động sản đang có xu hướng đi xuống.
Chuyên gia SSI phân tích khi phát hành trái phiếu, nhất là đầu tư bất động sản, thì bản chất là trái phiếu chưa sinh lời. Chưa sinh lời thì doanh nghiệp chưa có khả năng tạo ra nguồn tiền để trả nợ trái phiếu ngắn hạn được. Nhưng các nhà đầu tư chỉ muốn mua ngắn hạn nên doanh nghiệp phải đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn. Khi đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn đó mà nhà đầu tư bán lại trái phiếu hoặc cam kết mua lại thì chỉ còn cách phát hành trái phiếu tiếp theo để đảo nợ.
Mỗi lần phát hành trái phiếu thì lãi suất lại cao hơn lần trước, dẫn tới lãi chồng lãi và càng về sau thì rủi ro càng lớn hơn. Khá nhiều doanh nghiệp khi cạn kiệt vốn đã sử dụng đến "vũ khí" cuối cùng là phát hành trái phiếu.
Với mồi nhử là lãi suất thật cao, cùng với những quảng bá rất "kêu" để tạo sự tin tưởng, không ít lượng trái phiếu "3 không" vẫn bán ào ào theo hình thức "phát giấy thu tiền" thông qua những kẽ hở mà bên mua khó nhìn thấy. Có thể kể đến như mượn danh ngân hàng để mập mờ về bảo lãnh thanh toán trong khi ngân hàng không phải là bên phát hành, cũng không là kênh phân phối, mà chỉ làm dịch vụ nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu cố tình gắn tên ngân hàng vào, quảng bá rất "kêu" để tạo sự tin tưởng dụ nhà đầu tư xuống tiền.
Bên cạnh đó, sự mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền cũng là kẽ hở để doanh nghiệp đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Với mức độ minh bạch quá thấp như hiện nay, trong khi các cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không theo dõi kịp và sát việc sử dụng dòng tiền của doanh nghiệp. Trái chủ không thể biết được đối tác bán trái phiếu cho mình có sử dụng dòng tiền đúng vào mục đích đã công bố và cam kết hay không thì việc trái phiếu có thể được sử dụng làm công cụ đảo nợ (lấy tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước), tiềm ẩn rủi ro dây chuyền, dẫn tới nguy cơ nợ xấu và mất ổn định tiền tệ bất kỳ lúc nào.
Nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, khi trên thị trường xuất hiện nhiều trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, thông tin mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Bộ Tài chính đã sớm có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Khi đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group, đồng thời, xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm.
Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp năm 2021, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng từng cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản với dẫn chứng con số trái phiếu đã phát hành lên tới 214.440 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ USD và tăng gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng bộc lộ lo ngại về sự mất an toàn của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Ảnh minh họa.
Mức lãi suất phát hành trái phiếu dao động trong khoảng từ 8-13%/năm với tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc cho dù có tài sản đảm bảo, nhưng nếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai, cổ phiếu... thì cũng tồn tại nguy cơ mất mát nếu giá trị tài sản biến động theo chiều hướng xấu, không đủ để thanh toán gốc, lãi vay trái phiếu…
Trên thực tế, có thể thấy thông thường với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì việc vay vốn ngân hàng cũng không quá khó khăn, chưa kể mức lãi suất chỉ trên dưới 8%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức chi trả cho các nhà đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp 2-3 lần so với lãi suất ngân hàng là điều nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư, đặc biệt với những doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao...
Chuyên gia kinh tế-tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng việc bùng nổ quá nhanh của trái phiếu doanh nghiệp có thể có nguy cơ tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về lãi, khả năng thanh toán của các trái chủ, các vấn đề về quyền lợi của nhà đầu tư.
“Nếu trái phiếu doanh nghiệp phát hành không được đảm bảo chất lượng thì không khác gì hoạt động 'cho vay họ,' khi gặp rủi ro và bị vỡ nợ thì các chủ hụi sẽ đánh bài chuồn. Vỡ nợ trái phiếu gây ra hệ lụy khủng khiếp bởi không chỉ thiệt hại tiền của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của thị trường tài chính, uy tín của thị trường chứng khoán và có thể của cả Chính phủ," tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cảnh báo.
Chuyên gia tài chính-tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ và tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinGroup, rủi ro vỡ nợ là có, chỉ có điều chưa biết đến khi nào bởi thị trường mới ở giai đoạn đầu, phải 3-5 năm nữa mới tới thời gian đáo hạn và đây là vấn đề nhà đầu tư cần lưu tâm./.
Tác giả: Thanh Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy