GDP quý III giảm kỷ lục 6,17%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (năm 2000) đến nay. Trong đó, các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở mức 5,02% và 9,28%.
Với mức giảm của quý III, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế giữa đại dịch: Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Hơn 90.000 DN rời thị trường, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ khi COVID-19 bùng phát
COVID-19 kéo dài đã làm kiệt quệ nhiều doanh nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 90.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại một số tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Ngoài ra, trong 9 tháng, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm cả về số lượng và vốn đăng ký.
Sự phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm lên cao nhất kể từ quý I/2020. Theo đó, tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp cả nước tăng lên 2,91%, tỷ lệ thiếu việc làm cũng tăng lên hơn 3%.
Không tăng giá điện, cân nhắc giảm giá xăng
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện".
Về việc có tiếp tục giảm tiếp giá điện để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp nữa không, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ làm việc cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để có phương án cụ thể.
Giá điện sẽ không tăng trong năm nay. (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án giảm thuế, như thuế bảo vệ môi trường, để giảm giá xăng trong nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo hướng tăng. Nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch và phục hồi, mở cửa trở lại nên nhu cầu đi lại tăng lên. Do đó, giá xăng dầu thế giới được dự báo là sẽ khó giảm, trong khi đây là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước.
Thí điểm Mobile Money sau hơn 2 năm chờ đợi
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.
Mobile Money được coi là giải pháp tốt nhất để thanh toán điện tử phủ sóng toàn dân.
Điểm khác biệt của Mobile Money so với các dịch vụ ngân hàng số là người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng, không cần phải đến các điểm giao dịch ngân hàng, các máy rút tiền ATM… để rút tiền, nạp tiền và chuyển tiền.
Điểm khác biệt này là thế mạnh giúp người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng được tiếp cận với hệ thống thanh toán.
3 doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai bao Mobile Money là Viettel, VNPT, MobiFone.
TP.HCM mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh
Từ 1/10, TP.HCM cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với một số điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn mùa dịch.
Một số hoạt động, dịch vụ trọng điểm được người dân ngóng chờ như:
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Cung cấp lương thực, thực phẩm.
Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu.
Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp.
Dịch vụ cưới - hỏi; dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ...
Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở lại tại TP.HCM. (Ảnh minh họa).
Vinpearl huy động 425 triệu USD trái phiếu
Công ty Cổ phần Vinpearl - công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup - vừa công bố kết quả phát hành thành công lô trái phiếu quốc tế trị giá 425 triệu USD với mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore. Đây là lô trái phiếu được phát hành vào ngày 21/9/2021, với kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 3,25%/năm, được thanh toán 6 tháng/lần.
Trước Vinpearl, tháng 4 đầu năm nay, Vingroup cũng chào bán thành công 500 triệu USD trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động để thực hiện các dự án đầu tư, góp vốn vào công ty con và cơ cấu lại các khoản nợ. Đến tháng 7, Vingroup huy động thêm 2.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn cho Vinpearl.
Vicostone lãi kỷ lục quý III
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III, Công ty CP Vicostone (VCS) công bố khoản doanh thu và lợi nhuận cùng tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này ước tính gần 1.859 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau khi trừ giá vốn và các chi phí phát sinh trong kỳ, Vicostone thu về gần 575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất mà nhà sản xuất đá nhân tạo này ghi nhận được trong một quý kinh doanh.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Vicostone ghi nhận 5.203 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế 1.540 tỷ, đều tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2020.
VCS là một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh, được thành lập tháng 12/2002 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội).
Vietnam Airlines xin đặc cách trên sàn chứng khoán, chuyên gia phản đối
Vietnam Airlines gửi kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Nếu đến ngày 31/12/2021 khoản lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ, thì cổ phiếu HVN sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.
Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia. Các ý kiến lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu trên sàn chứng khoán, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong nước và thế giới, bởi tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ không được đảm bảo.
Tuy nhiên, nói về tình trạng âm vốn, VNA cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh bị đình trệ và rơi vào khó khăn, thâm hụt dòng tiền, giảm vốn chủ sở hữu. Để hỗ trợ Vietnam Airlines, Quốc hội và Chính phủ đã có “gói giải cứu” trị giá 12.000 tỷ đồng.
Do đó, hãng đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn HoSE. Đề xuất xin được đặc cách là kiến nghị từ trước khi phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Sân golf bản quyền từ PGA đầu tiên tại Việt Nam sắp hoàn thành
Đó là NovaWorld Phan Thiet - cụm sân golf có bản quyền độc quyền từ Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Mỹ (PGA). Trong đó, sân PGA Ocean đã vận hành từ tháng 4/2021 và sân PGA Garden dự kiến khai trương cuối năm nay.
Sân PGA Garden có độ dài 7.200 yard (thước Anh) với 18 hố và 72 gậy chuẩn, được thiết kế cổ điển theo phong cách sân công viên (parkland). Màu cát được kết hợp giữa sắc trắng nguyên thủy của thiết kế và màu đỏ đặc trưng của Bình Thuận. Các bẫy cát này được thiết kế đan xen và dính liền với khu vực green (vùng cỏ quanh hố) làm tăng tính độc đáo cho sân golf.
Khai trương trong tháng 4/2021, sân PGA Ocean là sự kết hợp hài hòa của phong cách sân golf ven biển (links-style) với những bẫy cát gồ ghề có diện tích lớn, cùng những nét đặc trưng của thiết kế sân công viên (parkland). Với chiều dài 7.400 yard, sân PGA Ocean hiện là một trong những sân golf dài nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn để tổ chức các giải thi đấu quốc tế.
Trung Quốc ồ ạt bơm tiền để chặn "bom nợ" Evergrande
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm tổng cộng 710 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng trong 8 ngày liên tiếp, trong đó mới nhất là 100 tỉ nhân dân tệ hôm 28/9. Bên cạnh việc bơm tiền, PBOC ngày 28/9 ra một tuyên bố cam kết sẽ bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường bất động sản, nhưng không đề cập đến Evergrande.
Sự kiện này đánh dấu đợt bơm tiền dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh vẫn chưa có một lối thoát cụ thể cho cuộc khủng hoảng nợ tại công ty bất động sản khổng lồ Evergrande.
Ngày 29/9 là thời hạn Evergrande phải thanh toán một khoản lãi trái phiếu 47,5 triệu cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, công ty chưa đưa ra tuyên bố nào về khoản lãi đáo hạn này. Ngoài ra, Evergrande cũng tiếp tục giữ yên lặng về một khoản lãi trái phiếu khác đáo hạn vào hôm thứ Năm tuần trước. Sau 30 ngày ân hạn mà Evergrande không trả được tiền lãi của một trong hai khoản lãi này, công ty sẽ bị coi là vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Tác giả: Công Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy