Mới đây, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; trong đó có phương thức tuyển sinh THPT và tổ chức thi tuyển.
Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển. Với hình thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Ảnh minh họa
Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại.
Lãnh đạo sở GD-ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD-ĐT, thanh tra sở GD-ĐT và thành phần có liên quan khác do sở GD-ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Có con đang học lớp 9, chị Trần Quỳnh Dao (Ba Đình, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến dự thảo quy chế tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT.
Phụ huynh này cho rằng, nếu xét tuyển sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, hiện tượng “làm đẹp” học bạ, phụ huynh cũng sẽ chạy đua bằng mọi cách để con em mình được thầy cô quan tâm, ưu ái, điểm số tốt hơn. Khi đó sẽ tạo ra sự thiếu công bằng trong giáo dục.
Ủng hộ phương án thi tuyển, song chị Dao cho rằng, tại các thành phố lớn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn đã rất khốc liệt bởi tỷ lệ chọi lớn, số lượng trường công có hạn trong khi nhu cầu học tập của học sinh lại rất lớn. Để giảm bớt áp lực, nên công bố sớm môn thi thứ 3 để học sinh có thời gian chuẩn bị.
“Tôi cho rằng công bố trước 31/3 là quá muộn, học sinh chỉ còn khoảng hơn 2 tháng để chuẩn bị cho môn thi thứ 3. Đến thời điểm đó các con phải học ngày học đêm, áp lực, mệt mỏi, lại thêm tâm lý thấp thỏm không biết sẽ thi vào môn học nào”, chị Dao chia sẻ.
Nói về phương án thi vào lớp 10 THPT, cô Trần Thị Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT đề xuất thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và môn thứ 3 lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên nhằm tạo ra một kỳ thi đảm bảo tính công bằng, giúp học sinh nắm vững kiến thức chương trình học. Với phương án này, có thể khiến học sinh học đều các môn, tránh tình trạng học lệch, học tủ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, phương án này cũng sẽ gây ra căng thẳng cho phụ huynh, học sinh. Theo cô Hải, thời gian bốc thăm môn thứ 3 trước ngày 31/3 là quá muộn, học sinh chỉ còn khoảng 2 tháng để ôn luyện môn thứ 3, nhất là với những học sinh không có thế mạnh ở môn học đó, sẽ rất khó để cải thiện năng lực một cách nhanh chóng.
Do đó, cô Hải đề xuất, nên công bố môn thi thứ 3 sớm hơn, điều này giúp giảm áp lực cho cả học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, thay vì bốc thăm một môn cụ thể, Bộ có thể xây dựng các kỳ thi mang tính tích hợp nhiều môn học trong một bài thi, như vậy có thể đánh giá kiến thức liên môn, giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy toàn diện.
Đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cũng đồng tình với phương án tổ chức thi 3 môn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, việc lựa chọn môn thi thứ 3 nên do các Sở GD-ĐT địa phương lựa chọn, trình UBND tỉnh phê duyệt, nhằm phù hợp với thực tiễn tình hình giáo dục từng địa phương.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018. Đến thời điểm này, mới chỉ Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh công bố cấu trúc, định dạng đề thi các môn.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh chỉ xây dựng cấu trúc đề thi 3 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ); Hà Nội xây dựng thêm đề minh họa của cả các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2025-2026, trong đó Sở GD-ĐT Quảng Nam sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh với 3 bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và kết hợp với việc xét học bạ bậc THCS của học sinh.
Tác giả: Nguyễn Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy