Đồng tiền mệnh giá 100 USD. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà đầu tư châu Á sẽ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi giới lập pháp Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ và loại bỏ nguy cơ xảy ra một vụ vỡ nợ thảm khốc.
Tuy nhiên, tin tức này cũng có thể là “con dao hai lưỡi” đối với thị trường khu vực.
Sau nhiều tuần đàm phán khó khăn, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã đạt được thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ trị giá 31.400 tỷ USD.
Thỏa thuận này còn phải thông qua Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo trước ngày 5/6 để tránh một vụ vỡ nợ.
Cả hai bên đều tự tin rằng thỏa thuận sẽ “qua ải” này.
Tuy nhiên, đây có thể là "con dao hai lưỡi" đối với thị trường châu Á, nếu không phải vào thứ Hai (29/5) thì sẽ là những ngày tới và tuần tới.
Một thỏa thuận giới hạn nợ mang lại cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều dư địa hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ - điều có thể đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên và củng cố đồng USD. Đây thường không phải một sự kết hợp tốt cho các thị trường mới nổi.
Đồng USD đã giảm giá sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng vào tuần trước. Đồng bạc xanh cũng đạt mức cao nhất trong sáu tháng so với đồng yen Nhật Bản và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, lần lượt vượt mức 140 yen đổi 1 USD và 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản và Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau.
Lạm phát ở Nhật Bản vẫn quanh mức cao trong nhiều năm. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đang chịu áp lực phải điều chỉnh hoặc từ bỏ chính sách tiền tệ 'kiểm soát đường cong lợi suất' cực lỏng. Do đó, Nhật Bản có thể muốn đồng yen mạnh lên từ đây.
Mặt khác, Trung Quốc có thể muốn đồng Nhân dân tệ giảm giá hơn nữa. Nhìn chung, đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang yếu hơn dự kiến trong khi áp lực lạm phát đang giảm dần.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Barclays dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất chính sách từ 10-20 điểm cơ bản và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25-50 điểm cơ bản trong vòng 6-9 tháng tới.
Đối với khu vực châu Á nhìn chung, ngày 29/5 sẽ chưa có nhiều sự kiện và dữ liệu kinh tế được công bố.
Tình hình sẽ “nóng” lên khi tiến về cuối tuần, với trọng tâm chú ý là số liệu về tình hình thất nghiệp của Nhật Bản vào 30/5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên của Ấn Độ và quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Thái Lan vào 31/5 rồi báo cáo GDP quý 1 của Hàn Quốc vào 2/6.
Một số quốc gia cũng đã lên kế hoạch công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tuần này. Trong số đó, các số liệu tháng Năm của Trung Quốc công bố vào ngày 30 và 31/5 có thể là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường./.
Tác giả: H.Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy