Dòng sự kiện:
Thoái vốn tại Vinaconex: Vì sao SCIC thành công 'ngoài mong đợi'
23/11/2018 19:21:24
Việc thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã chứng khoán: VCG) vừa ghi nhận một thành công 'ngoài mong đợi'.

Chiều ngày 22/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức hai phiên đấu giá VCG do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Trong đó, SCIC đã bán thành công 254,9 triệu cổ phiếu với giá cao bất ngờ 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn so với giá khởi điểm 35,6% và cao hơn giá thị trường 56%. Tổng giá trị cổ phần bán được là 7.367 tỷ đồng.

Cụ thể, có ba nhà đầu tư đăng ký đấu giá với khối lượng trên 764,7 triệu cổ phần, trong đó có một nhà đầu tư cá nhân. Giá khởi điểm SCIC đưa ra là 21.300 đồng/cổ phần, nếu bán trọn lô với mức giá này số tiền thu về chỉ 5.431 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phiếu thầu bỏ giá cao nhất là 28.900 đồng/cổ phiếu, hai phiếu còn lại bỏ giá ở mức 22.300 đồng và 21.300 đồng. Với giá bán thành công 28.900 đồng/cổ phần số tiền bán được vượt hơn 1.936 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Giá đóng cửa của cổ phiếu VCG cùng ngày 22/11/2018 chỉ ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu.

Đây là lần bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp đầu tiên của SCIC kể từ khi chính thức chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hôm 12/11 vừa qua.

Đáng chú ý là cổ phiếu VCG đã từng ế trong lần bán tháng 11/2017. Lần đó, SCIC chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Cổ phiếu VCG cũng đã  rơi vào tình trạng ế ẩm và Vinaconex kinh doanh không khả quan. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ đạt 185 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 368 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lợi nhuận 260 tỷ đồng ở quý III/2017 và 623 tỷ đồng của 3 quý đầu năm 2017.

Tổng tài sản của Vinaconex tại thời điểm cuối tháng 9/2018 chỉ đạt 20.170 tỷ đồng, giảm 6,7% (1.459 tỷ đồng) so với thời điểm cuối tháng 9 năm 2017.

Liền ngay sau phiên đấu giá của SCIC, Viettel cũng đấu giá thành công trọn lô 94 triệu cổ phần tại Vinaconex với giá trị giao dịch trên 2.000 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tiền dự tính bán được theo giá khởi điểm (giá khởi điểm là 21.300 đồng).  

Trả lời câu hỏi năm ngoái SCIC đã đưa ra mức giá 25.600 đồng/cổ phiếu nhưng vì sao lần này giá đưa ra là 21.300 đồng, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết mức giá này đặt ra trên cơ sở tính mức giá giao dịch bình quân VCG trong 30 ngày, có ý kiến của 2 tổ chức tư vấn và cơ quan quản lý. 

Ông Thành cũng cho biết, mục tiêu của SCIC là tối đa hóa giá trị đồng vốn nhà nước. Rút kinh nghiệm lần trước bán nhỏ lẻ không thành, lần này SCIC quyết định bán cả lô và số cổ phần đưa ra đủ nhiều để nhà đầu tư thấy mua hết được số cổ phần này sẽ có đủ số cổ phiếu lớn, có tiếng nói quan trọng trong doanh nghiệp. Như thế, số cổ phần đem bán sẽ hấp dẫn thị trường hơn.

Bên cạnh đó, thời điểm đem bán cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công. Công tác chuẩn bị gồm road show, maketing, cung cấp thông tin đến nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, thông tin đưa ra với thị trường cũng đầy đủ, công khai, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.

“Không có công thức bán vốn chung cho các doanh nghiệp. SCIC linh hoạt và đưa ra phương thức bán, thời điểm bán, cách bán khác nhau tùy theo thể trạng từng DN”, Tổng giám đốc SCIC thông tin thêm.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến