Dòng sự kiện:
Thời nhà đầu tư 'tiền tươi thóc thật' đi săn dự án bất động sản
29/08/2022 14:33:59
Thiếu nguồn vốn, nhiều chủ đầu tư đang rao bán dự án bất động sản. Đây cũng là thời điểm cho các đại gia “tiền tươi thóc thật” gom hàng.

Rao bán hạ giá

Cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Vũ (đại diện một công ty kinh doanh bất động sản) nhận được lời mời chào từ một chủ đầu tư dự án khu đô thị. Dự án được cấp phép nhưng doanh nghiệp này không đủ vốn để triển khai. Đầu năm nay, đơn vị này đã đặt vấn đề chuyển nhượng lại cho công ty của ông Vũ với mức giá khoảng 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Vũ nhận định, từ nay tới cuối năm có nhiều điều kiện để đàm phán và nhiều cơ hội mua lại các dự án hơn nên từ chối. Sau thời gian không tìm được đối tác, chủ đầu tư này liên hệ lại với ông Vũ và đưa ra mức giá mới khoảng 60 tỷ đồng.

Ông Vũ cho hay, thời điểm này những chủ đầu tư nhiều tiền có cơ hội săn được các dự án giá rẻ. Họ có nhiều lựa chọn hơn khi ngân hàng siết tín dụng, nguồn vốn co lại, các chủ đầu tư gặp khó khăn.

Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy, thị trường M&A bất động sản nửa đầu năm 2022 rất sôi động. Viva Land mua lại tòa nhà văn phòng Capital Place với giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development. Trước đó, Viva Land cũng đã mua lại thành công tòa nhà Saigon One Tower và đổi tên thành IFC One, Saigon. Dự án có có vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, TP.HCM.

Bất động sản gặp khó vì thiếu nguồn vốn (Ảnh: Hoàng Hà)

Ở phân khúc nhà ở, Novaland mua lại dự án Kenton Node và đổi tên thành dự án căn hộ cao cấp Grand Sentosa với hơn 1.640 căn hộ. Một thương vụ đáng chú ý khác là Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An với tên gọi mới là The Global City. 


Mới đây, quỹ đầu tư Hoa Kỳ Warburg Pincus đã công bố việc rót khoản vốn đầu tư 250 triệu USD vào Novaland, nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án. Hai quỹ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài VinaCapital và Dragon Capital cũng thông báo việc đầu tư 103 triệu USD vào Hưng Thịnh Land.

Ở phân khúc khách sạn, nhiều dự án cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư mới. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì mảng căn hộ dịch vụ - khách sạn sẽ càng khó khăn.

Theo ông Khương, khi đầu tư vào căn hộ dịch vụ - khách sạn, thông thường thời gian hoàn vốn trong khoảng 10 năm, cho nên gặp khó khăn trong 1-2 năm đầu không phải là một vấn đề quá lớn.

Trong khi đó, hiện nay, hầu hết khách sạn, trung tâm thương mại tại Việt Nam đều hoạt động được từ 5-7 năm nên đã có được dòng tiền tích lũy. Tuy nhiên, với chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì khoản tích lũy này cũng không đủ để duy trì hoạt động khách sạn sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành.

Cuộc thanh lọc

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua ngay lập tức đã khiến nguồn cung bất động sản chững lại, đây là thời kỳ để các nhà đầu tư “bắt đáy”.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng đây là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thị trường đang trong gian đoạn thanh lọc chủ đầu tư (Ảnh: Hoàng Hà)

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, thị trường đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.

Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Đối với các nhà đầu tư trong nước thì việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn. Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét.

Ông Nguyễn Đức Quân - Phó tổng giám đốc Nam Land cho rằng, đây là cơ hội “bắt đáy” thị trường bất động sản giữa thời thanh lọc gắt gao. Thị trường bất động sản đang trong vòng xoáy siết tín dụng, nhà đầu tư hướng về dòng vốn trung – dài hạn ở những thị trường giàu tiềm năng, có khả năng khai thác, sinh lợi nhuận kép và các dự án bất động sản được bảo chứng chất lượng, bởi các đơn vị vận hành nước ngoài, chủ đầu tư uy tín.

“Ở thời điểm này, chỉ những chủ đầu tư có dòng tiền mạnh, hạ tầng tốt mới chiếm được niềm tin của nhà đầu tư. Khi siết tín dụng, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi “tiền tươi thóc thật” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để lựa chọn đầu tư.

Trong khi đó, chuyên gia Savills khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận các kênh thay thế như quỹ đầu tư, M&A, liên doanh trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết chặt. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn sẽ giúp ổn định thị trường và giảm các rủi ro hệ thống.

Tác giả: Duy Anh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến