Dòng sự kiện:
Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do Covid-19
10/04/2020 21:00:31
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối 2020.

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có báo cáo các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Thống đốc cũng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của dịch bệnh     

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu. 

Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thuỷ sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Vietnam Plus)

Về tỷ giá, thời gian qua, NHNN đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước. Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng. 

Thống độc cho hay, ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. 

Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dữ trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Thống đốc, có thể nói, các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Các chuyên gia nước ngoài cũng như đánh giá của NHNN cho biết, nếu không có sự ổn định vĩ mô duy trì được trong những năm vừa qua thì tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn. Việc chúng ta tập trung kiểm soát tốt lạm phát thời gian vừa qua cũng đã góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng và NHNN rất quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh. 

Về hành tín dụng và lãi suất, đến 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2  tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng như vậy khá là tích cực. Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng từ 900 nghìn tỷ cho đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng từ 11 đến 14%. Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh, thời gian qua, NHNN cũng đã chỉ  đạo, có các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định đầy đủ. Về lãi suất, từ cuối năm 2019, và đặc biệt từ tháng 3/2020, NHNN đã chủ động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5 – 1% các mức lãi suất điều hành. 

Bên cạnh việc tập trung đáp ứng  vốn tín dụng cho người vay vốn, NHNN đã chủ động thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ban hành Thông tư 01 ngày 13/3 của NHNN tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1 là ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục được vay mới. 

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến