Chiều 29/5, phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là những vấn đề được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo giải quyết.
Theo bà Hồng, trong bối cảnh khó khăn chung, các nước khi kiểm soát lạm phát sẽ phải hy sinh tăng trưởng, nhưng Việt Nam đã đạt được cả 2 là kiểm soát lạm phát và ghi nhận tăng trưởng - dù không được như mục tiêu Quốc hội đề ra, song so với các nước trong khu vực và thế giới thì đây là mức tăng trưởng khá cao.
"Đây là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô và tiền tệ tại Việt Nam tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, vẫn có những diễn biến đang được Chính phủ quan tâm theo dõi và có chỉ đạo.
Thứ nhất, về tỷ giá đang chịu áp lực tăng. Đây là diễn biến chung của các nước trên thế giới và khu vực, nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang mất giá ở mức tương đối cao.
NHNN đánh giá, trong môi trường kinh tế thế biến động, "tỷ giá lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường". Thực hiện chỉ đạo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối của Chính phủ, NHNN đã theo dõi sát và thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để có thể điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp, để đảm bảo nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.
Thống đốc NHNN cho rằng, trong thời gian tới, sự phát triển trở lại của sản xuất trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần hỗ trợ cho nguồn cung - cầu ngoại tệ. Đặc biệt, khi có biến động tăng tỷ giá USD, các doanh nghiệp cũng tăng cường mua kỳ hạn, mua trước USD, như vậy trong tương lai có thể giảm nhu cầu ngoại tệ.
"Dự kiến, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm 2024. Nhiều dự báo cũng cho rằng, tỷ giá USD vào cuối năm sẽ hạ nhiệt. NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm", bà Hồng cho biết.
Về vấn đề tín dụng thấp đã được đề cập ở nhiều kỳ họp trước, theo lãnh đạo NHNN, đây không chỉ là xu hướng ở Việt Nam mà là xu hướng chung trên thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo Thống đốc NHNN, tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nhiều ĐBQH chỉ ra nguyên nhân là do đầu ra xuất khẩu, đầu ra tiêu dùng trong nước hay các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay đang có những khó khăn liên quan đến pháp lý.
"Từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN thấy rằng, Chính phủ vừa qua đã tăng cường thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở đường cao tốc. Đây là chính sách rất đúng và trúng, bởi khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu thì cần đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp. Từ đó, kích hoạt lại tín dụng đối với hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần báo cáo, kiến nghị khi 95% doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ thì cần có những giải pháp tăng cường như bảo lãnh các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng, để có thể thúc đẩy tín dụng cao hơn", bà Hồng nói.
Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, một vấn đề các đại biểu cũng quan tâm là lãi suất tiền gửi ngoại tệ nên tăng để huy động từ người dân. Bà Hồng cho biết, trong nhiều năm qua, NHNN có nhiều biện pháp nhằm thực hiện chống "đôla hóa" theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cùng các bộ ngành có giải pháp kiểm soát lạm phát và tăng giá trị của VNĐ, để VNĐ hấp dẫn hơn và triệt tiêu những lợi ích từ tích trữ USD.
"Do vậy, đưa lãi xuất USD về 0% là một trong những giải pháp để khuyến khích người dân có ngoại tệ thì bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Khi đó sẽ có dư địa để can thiệp vào ổn định thị trường ngoại hối như thời điểm năm 2022 và những tháng đầu năm 2024", bà Hồng nói.
Với thị trường vàng, NHNN cho rằng, giá tăng vàng cao và biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới, chứ không chỉ tại Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, tuy nhiên, sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
"Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các bộ ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ chức năng theo Nghị định 24 để thu hẹp chênh lệch giá vàng. Đây cũng là một nhiệm vụ thách thức bởi giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động cao và phức tạp. Trước tình hình đó, NHNN đã thực hiện tăng cung ra thị trường. Kế thừa cách làm từ năm 2013, NHNN đã thực hiện đấu thầu nhằm tăng cung vàng ra thị trường để giá vàng giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng giảm không được như kỳ vọng. Do vậy, chúng tôi đã dừng đấu thầu, đánh giá lại tình hình, tìm ra nguyên nhân và xây dựng phương án mới để triển khai trong tuần tới. Đặc biệt, cùng với đó sẽ thực hiện minh bạch các giao dịch vàng trên thị trường", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Lãnh đạo NHNN khẳng định, đã tổ chức đoàn liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn chứng từ đến phòng chống rửa tiền liên quan đến giao dịch vàng, chống các hành vi đầu cơ, găm giá, đẩy giá.
Cũng giải trình và làm rõ ý kiến liên quan đến giá vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ tháng 6/2022, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao NHNN, với 25 văn bản, trong đó có những công cụ để can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng. Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, NHNN vừa qua đã tích cực đưa ra các giải pháp, tuy nhiên, khi thực hiện can thiệp hiệu quả lại chưa cao. Hiện nay NHNN đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn.
Về mặt lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái để nghị NHNN nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24: "Trước mắt, chúng ta dùng công cụ thuộc quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất hoạt động của thị trường vàng. Từ đó, có những giải pháp để xử lý theo quy định, để bình ổn thị trường vàng trong nước theo tinh thần ĐBQH mong muốn là tiến sát với thị trường thế giới".