Thắc mắc được các đại biểu đưa ra tại kỳ họp bất thường lần thứ 01, Quốc hội khoá XV, phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Liên quan đến câu chuyện “nóng” của hệ thống được Thống đốc đề cập là tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Theo Thống đốc, có thể nói rằng, việc tăng vốn của Agribank cũng như các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối rất cần thiết, bởi vì so với các nước thì tiềm lực vốn của các ngân hàng Việt Nam cũng thấp. Trong khi đó, những năm qua các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ cũng khá mạnh mẽ, nhưng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước có cổ phần chi phối thì tăng vốn khiêm tốn.
“Cũng cần đặt ra vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu. Riêng đối với Agribank, vì đây là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước theo quy định hiện hành về ngân sách nhà nước, thuộc dự toán thu chi ngân sách, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, đưa vào đây là đề xuất. Còn các ngân hàng khác cũng sẽ thuộc thẩm quyền Chính phủ. Nếu dưới 10.000 tỷ đồng thì trong quá trình tới, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổ chức triển khai chương trình hiệu quả theo đúng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội”, Thống đốc nhấn mạnh.
Giải trình với đại biểu Quốc hội về dư địa chính sách tiền tệ và vấn đề lượng hóa chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN cho biết, theo tinh thần của nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội đã nêu, chương trình này là các chính sách bổ sung ngoài khung khổ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu của nền kinh tế trong 5 năm. Vì vậy, trong quá trình thiết kế chính sách Chính phủ đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và trên cơ sở đánh giá tổng thể dư địa của các chính sách trong các chương trình.
Theo đó, khi triển khai chương trình tái cơ cấu các TCTD và trong đó là tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền cho sử dụng dư địa của chính sách tiền tệ. Bởi vậy, trong chương trình này, dư địa chính sách tiền tệ ít và chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa. Yêu cầu khi thực hiện chương trình này là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Chính vì vậy, khi thực hiện đưa tiền ra qua gói của chính sách tài khóa thì Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, bởi vì chính sách tiền tệ bản chất là ngắn hạn, theo sát diễn biến của thị trường kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế và sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để làm sao đảm bảo được mục tiêu là thực hiện chương trình nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Hồng nói.
Cũng theo Thống đốc, do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ, bởi vậy cần sự linh hoạt, theo sát diễn biến của thị trường, cho nên có lúc phải đưa tiền ra, cũng có lúc phải hút tiền về. Chính vì vậy, tại thời điểm xây dựng chương trình này thì khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ.
Liên quan đến câu chuyện giảm lãi suất, Thống đốc cho biết, đây là vấn đề mà doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đối với ngành ngân hàng, đây cũng coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát thì Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.
“Trên thực tế cũng động viên, khuyến khích, kêu gọi các TCTD miễn, giảm lãi vay và giảm phí. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay toàn hệ thống các TCTD giảm cả lãi, cả phí khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các TCTD để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng thông tin.
Thống đốc lý giải thêm: “Ở đây tại sao lại là động viên, khuyến khích, bởi vì theo quy định của pháp luật, Ngân hàng nhà nước không thể quy định bắt buộc các TCTD phải giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay, bởi vì trong các TCTD cũng có những TCTD có cổ đông là người nước ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành chúng tôi điều hành linh hoạt các công cụ, đồng thời cũng động viên, kêu gọi các TCTD và nhận được sự đồng thuận rất cao”.
Trong bối cảnh hiện nay lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, cho nên thế giới thì xu hướng lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, trong nền kinh tế của chúng ta đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất. Đây là một vấn đề thực sự khó khăn.
“Trong xây dựng chương trình phục hồi này Chính phủ cũng cân nhắc đưa ra một giải pháp để phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1% lãi suất trong 2 năm", bà Hồng nói.
Cũng theo Thống đốc, đây cũng là một giải pháp có thể nói duy nhất trong chương trình này, vì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì nguồn tiền từ ngân sách và nguồn tiền từ ngân hàng trung ương nhưng ở đây giải pháp này chính là nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng, là doanh nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
"Đối với Ngân hàng Nhà nước, khi báo cáo cũng mong muốn để từ là “phấn đấu” để phù hợp với những quy định của pháp luật, cũng như thể hiện quyết tâm của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng thông tin.
Thống đốc chia sẻ: “Đối với một số những công cụ khác như là dự trữ bắt buộc như một số đại biểu Quốc hội có gợi ý thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp thu và trong quá trình điều hành thì sẽ điều hành linh hoạt. Bởi vì, có lúc tăng, có lúc giảm, hiện tại dự trữ bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng vì hiện nay thanh khoản của hệ thống cũng đang dư thừa. Cho nên chúng tôi cũng sẽ linh hoạt điều hành theo ý kiến gợi ý của các đại biểu Quốc hội”.
Xung quanh gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, bà Hồng cho biết, lãi suất từ nguồn ngân sách, còn tiền cho vay là tiền huy động của các TCTD, từ người dân sẽ cho vay. Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các TCTD có nguồn cung tín dụng đáp ứng được nhu cầu cho gói này và đặc biệt là tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong quá trình hướng dẫn thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo phân công của Chính phủ tại phụ lục kèm theo thì cũng sẽ tập trung những đối tượng có trọng tâm, trọng điểm và cũng khắc phục được những hạn chế của những gói hỗ trợ trước.
Một vấn đề được Thống đốc đặt ra, đó là vấn đề huy động nguồn lực. Ở đây khi huy động nguồn lực thì chủ yếu từ nguồn trong nước phát hành trái phiếu Chính phủ nội tệ, ngoại tệ. Điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ của chính sách tiền tệ đối với tài khóa để làm sao huy động được nguồn lực này.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy