Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tại phiên họp thứ 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022; Nghị quyết về thời gian làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Đây là những quyết sách kịp thời, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Với quyết định này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã một lần nữa cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và hệ thống chính trị trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Động thái này cũng khắc họa rõ nét hình ảnh một Quốc hội đổi mới, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.” Đó là “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân."
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Thời gian qua, nguồn cung xăng, dầu khan hiếm, giá dầu thô trên thế giới có xu hướng tăng cao khiến giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, giảm giá xăng dầu hoặc điều hành để biên độ tăng của giá xăng dầu (khi thị trường thế giới có biến động lớn) ở mức chấp nhận được là mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu này.
Trước tình hình đó, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được các cơ quan chức năng đưa ra để kịp thời “hạ nhiệt” giá xăng dầu hiện nay. Bởi theo quy định, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, còn với các thuế khác như VAT hay thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Do vậy, đây là cách làm nhanh nhất, không phải chờ đến kỳ họp Quốc hội (tận tháng 5) nhằm tác động trực tiếp tới giảm giá hoặc thu hẹp biên độ tăng của giá xăng, dầu hiện nay, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 12/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 về dự án Nghị quyết để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu ngay tại đợt 2 của phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này, để tiến hành thực hiện ngay từ tháng Tư.
Ngay sau đó, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ để kịp thời thẩm tra nội dung, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Với 100% đại biểu tán thành, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất của Chính phủ. Xăng, trừ etanol mức thuế 2.000đ/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế 1.000đ/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); dầu hỏa mức thuế 300 đ/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành)…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Như vậy, chỉ trong ít ngày (từ khi Chính phủ trình sang và đến khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua), một quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và mong mỏi của cử tri đã được ban hành.
Có được kết quả này là nhờ sự chủ động, trách nhiệm của Chính phủ; tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động của Quốc hội và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai cơ quan nhằm giải quyết nhanh nhất những vấn đề cấp bách đặt ra với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Bởi lẽ, việc giảm thuế chắc chắn sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng là cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Thận trọng, kỹ lưỡng
Một chủ trương hết sức đúng đắn xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động cũng vừa được ban hành là Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Nghị quyết, khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc nâng trần thời gian làm thêm trong tháng, trong năm nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Bộ trưởng, các khảo sát gần đây cho thấy đa số các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động đồng tình theo hướng này do xuất phát từ nhu cầu hiện nay. Thực tế, do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn “ngấm ngầm” thỏa thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Vì vậy, cần quy định vấn đề này công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Việc xem xét tăng giờ làm thêm trong bối cảnh dịch COVID-19 là nội dung được Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong trường hợp cấp bách. Vì thế, việc xem xét, thông qua Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là một quyết sách liên quan đến nhiều khía cạnh về lao động, sản xuất, việc làm, sức khỏe, chính trị, xã hội… vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải "đứng" ở vị trí giải quyết hài hòa những lợi ích này.
Sự cân nhắc thận trọng, khách quan này được thể hiện rõ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nới "trần" giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng (chứ không phải 72 giờ mỗi tháng như đề xuất của Chính phủ) nhằm bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động cho người lao động.
Đề cập đến vấn đề hậu COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhiều người bị mất ngủ, hụt hơi, không thể duy trì lại trạng thái tâm lý, sức khỏe bình thường được.
"Chúng ta xây dựng quan hệ lao động phải hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ nếu không thì không chỉ ảnh hưởng vấn đề lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng đến chính trị, xã hội," Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ rõ mục tiêu xuyên suốt của chế độ ta là tăng lương, giảm giờ làm. Doanh nghiệp muốn "tăng năng suất lao động thì phải cải tiến kỹ thuật, bảo đảm tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động."
Đại dịch COVID-19 một mặt gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nhưng mặt khác đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương không đánh đổi sức khỏe và sinh mạng của người dân để lấy tăng trưởng. Vì thế, quy định thời gian làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng là hợp lý.
Trong điều kiện các đơn hàng cần phải giải quyết gấp để đảm bảo được tiến độ giao hàng nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe cho người lao động, Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động vừa được ban hành đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các doanh nghiệp và người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội./.
Tác giả: Phan Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy