Dòng sự kiện:
Thông tin tiêm vaccine bị thiếu có ảnh hưởng việc cấp thẻ xanh?
12/09/2021 05:39:56
Lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM cho biết việc chậm cập nhật hoặc sai thông tin tiêm vaccine không ảnh hưởng đến lộ trình cấp thẻ xanh, thẻ vàng. Quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm.

Tại cuộc họp báo của TP.HCM chiều 11/9, báo chí tiếp tục phản ánh tình trạng phiền toái khi phải cài đặt quá nhiều ứng dụng khai báo y tế. Người dân mong muốn có thể tích hợp toàn bộ thông tin từ xét nghiệm, tiêm chủng, giấy đi đường và thẻ xanh Covid-19 trong một ứng dụng.

Ngoài ra, vấn đề chậm cập nhật thông tin mũi tiêm trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử cũng là vấn đề được quan tâm khi đây là căn cứ để thành phố cấp thẻ xanh, thẻ vàng.

Nhiều người dân chưa được cập nhật thông tin tiêm vaccine

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết thời gian qua, các đơn vị tiêm, tổ tiêm chủng đã tích cực cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người đã tiêm nhưng chưa được cập nhật kết quả hoặc thông tin bị sai.

Người dân có thể phản ánh qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia để bổ sung, cập nhật nếu thông tin bị thiếu, sai và chưa đầy đủ. Sở TT&TT và Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức lực lượng bổ sung kịp thời.

"Tổng thông tin tiêm chủng sẽ phản ánh, cập nhật ngay. Việc này không ảnh hưởng đến lộ trình cấp thẻ xanh, thẻ vàng theo kế hoạch của thành phố. Lợi ích của người dân sẽ được bảo đảm", ông Từ Lương cho biết.

Nhiều người dân phản ánh chưa được cập nhật mũi tiêm vaccine. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Để thực hiện điều này, thành phố đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP), đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.

Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng chống dịch. Khi đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Công an TP.HCM sẽ thống nhất app kiểm soát

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, chia sẻ bản thân ông cũng thấy đang có quá nhiều ứng dụng (app) gây bất tiện cho người sử dụng.

Theo ông Hà, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng một app thống nhất, trong đó chỉ đạo kết nối, chia sẻ tất cả dữ liệu để phục vụ phòng, chống dịch, hạn chế việc người dân khai báo rồi phải khai báo lại.

Chỉ đạo này nêu rõ app của Bộ Công an là VNEID được xây dựng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên có tính xác thực cả về nhân thân, thông tin khai báo nên đảm bảo được công tác quản lý; còn các ứng dụng khác thì chỉ xác thực qua điện thoại.

Ứng dụng VNEID của Bộ Công an có có tính xác thực cả về nhân thân, thông tin khai báo, điện thoại của người dùng. Ảnh: Y Kiện.

Theo ông Hà, tất cả giấy tờ của người dân đều xuất phát từ chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD). Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết sau này có thể sẽ đề xuất không cần hộ chiếu, mà chỉ cần thẻ CCCD. Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai VNEID phục vụ người dân khai báo. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng sẽ có đánh giá phối hợp nâng cấp.

Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh app của Bộ Công an vẫn có ưu điểm hơn so với những ứng dụng khác. App này đang được Công an TP.HCM đưa vào sử dụng về kiểm soát lưu thông trên đường.

Tác giả: Thư Trần - Thu Hằng

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến