Thủ đoạn mới lừa đảo mua vé tàu hỏa giả dịp Tết
26/12/2016 12:33:16
Vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện các trường hợp khách hàng bị một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đưa cho khách vé tàu chặng ngắn nhưng nói là "đã lo xong xuôi" để khách có thể đi với chặng đường dài hơn theo nhu cầu hoặc bán vé tàu giả cho người dân.

Ảnh minh họa.

Đặc điểm chung của các vụ việc nêu trên là khách hàng bị lừa đảo đều đã mua vé tàu hỏa thông qua một số đối tượng "cò" vé. Người dân mua vé thông qua “cò” có thể mua phải vé giả, vé đã qua chỉnh sửa hoặc vé đã bị đối tượng "cò" in ra thành nhiều bản và bán cho nhiều người.

Đây là các hình thức lừa đảo mới của "cò" vé, phe vé. Chúng đã lợi dụng số lượng vé tàu vào một số thời gian cao điểm có hạn, dẫn đến tình trạng nhiều người dân muốn đi từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung, hoặc từ TP Hồ Chí Minh đi ra Bắc nhưng vé có hạn và chưa đáp ứng kịp thời.

Cụ thể, vào sáng 12-12, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện 4 vé tàu giả đi tuyến Sài Gòn - Huế vào dịp Tết Đinh Dậu 2017. Theo đó, các vé tàu giả này do một số người dân mua thông qua “cò” với giá cao hơn ngành Đường sắt mở bán.

Nghi ngờ vé giả, người dân đã đến ga Sài Gòn nhờ Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn kiểm tra trên hệ thống vé điện tử. Kết quả, các vé tàu giả của người dân cung cấp không trùng khớp với số căn cước công dân (chứng minh nhân dân), giấy tờ tùy thân của khách hàng...

Sau đó, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn đã gửi thông tin vé giả đến Công an phường 9, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) để điều tra, xử lý. Với các vé tàu giả khách đã mua của "cò" trong trường hợp này, khách sẽ không được lên tàu.

Một diễn biến khác, ông Hà Quốc Hùng, Trưởng Ga Hà Nội, Phó Giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội cho biết, tại Hà Nội cũng xuất hiện một số người dân bị đối tượng "cò" lừa đảo.

Các đối tượng "cò" lừa đảo khách bằng cách nói có thể đáp ứng ngay được ngày đi tàu cho khách có nhu cầu. Sau đó mượn các giấy tờ tùy thân của khách, nhờ người khác vào trong ga để mua vé nhưng chỉ mua được vé có đoạn đường ngắn như Nam Định, Thanh Hóa..., trong khi khách có nhu cầu đi chặng đường dài như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang...

Các đối tượng "cò" sẽ động viên khách hàng “yên tâm” là "đã thông báo với nhân viên trên tàu để lo cho khách được tiếp tục đi". Như vậy, hành khách vẫn sẽ được lên tàu nhưng khi đến những ga ghi trên vé, hành khách sẽ buộc phải xuống tàu, mà không được tiếp tục hành trình. Nếu khách muốn tiếp tục hành trình sẽ phải đóng thêm một khoản phí cho ngành Đường sắt để mua vé phụ.

Theo thông lệ hằng năm, để đảm bảo phục vụ người dân về quê ăn Tết được thuận lợi, các ga tàu thường tổ chức chạy thêm toa, tăng chuyến. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo, không nên vội vàng tin vào những đối tượng "cò" mồi, phe vé hay những trang web bán vé không phải của ngành Đường sắt, tránh những rủi ro không đáng có.

Đồng thời, lên kế hoạch mua vé hoặc lựa chọn phương tiện phù hợp để đảm bảo di chuyển đúng theo kế hoạch trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới của ngành Đường sắt.

Với những hành khách đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của ngành đường sắt (đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp Tết) lưu ý kiểm tra lại vé trên website http://dsvn.vn/#/kiemtrave để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân. Khi vé không hợp lệ, người dân nhanh chóng đến các ga tàu, thông báo để được hướng dẫn giải quyết...

Theo CAND

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến