Dòng sự kiện:
Thu hút vốn ODA sẽ gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm
15/12/2021 15:40:17
Việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công đồng thời bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12. (Ảnh: TTXVN)

Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong tình hình mới đồng thời gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.

Đây là nội dung tham luận được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12.

Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn dài hạn đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh. Những yếu tố trên cho thấy nhu cầu vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn rất cần thiết trong các giai đoạn phát triển của đất nước.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tập trung nhiều hơn vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ số, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối cao, cải cách công tác quản lý nhà nước, dịch vụ công,... Điều này đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.

Trước đó, kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025) đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dự kiến 527.000 tỷ đồng; trong đó vay cấp phát từ ngân sách Trung ương 305.000 tỷ đồng (chi cho đầu tư phát triển 300.000 tỷ đồng, chi cho hành chính sự nghiệp 5.100 tỷ đồng). Bên cạnh đó, vay về và cho vay lại là 222.000 tỷ đồng (đối với ngân sách địa phương và cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên trọng tâm, bao gồm cơ cấu lại nền kỉnh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Phát triển cơ sở hạ tầng kỉnh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triến bền vững; quản lý tài nguyên, môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; khoa học kỹ thuật, đổỉ mới sáng tạo-cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; y tế, văn hóa-xã hội và tăng cường liên kết vùng.

Không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần phải có những chính sách nhằm cụ thế hóa các chủ trương, đường lối của Đàng và Nhà nước trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.

Cụ thể, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công. Và, bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách cũng như khả năng trả nợ trong tương lai.

Trên cơ sở đó, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; trong đó tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiu quả kinh tế theo quy mô, ưu tiên đầu tư cho các dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tiếp tục giảm tỷ trọng cấp phát, tăng tỷ trọng vay về cho vay lại đối với các chương trình, dự án của địa phương với cơ chế ngân sách Nhà nước cấp phát một phần, ngân sách địa phương vay lại một phần theo tỷ lệ do Chính phủ quy định.

“Kiên quyết hạn chế sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để tài trợ cho các dự án không yêu cầu ngoại hối để có được vốn hàng hóa hoặc công nghệ đồng thời hạn chế thực hiện các nghĩa vụ bằng ngoại tệ để tài trợ cho các khoản chi tiêu địa phương,” ông Phương nhấn mạnh./.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến