Thù lao tiền tỷ của sếp ngân hàng
03/05/2015 17:02:14
Một số đơn vị có kết quả kinh doanh tốt đã mạnh tay chi thưởng cho lãnh đạo trong năm 2014. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sếp ngân hàng nhận lương cao, dù tình hình hoạt động không mấy khả quan.

Tin liên quan

Năm 2014, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, thù lao cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát dự kiến chiếm 2% khoản lợi nhuận này, như đã trình cổ đông thông qua tại kỳ đại hội năm trước. Do vậy, mức thù lao mà các sếp của Sacombank nhận được trong năm 2014 ước trên 53,5 tỷ đồng (dành cho 13 người). Trung bình mỗi sếp sẽ nhận hơn 4,1 tỷ.

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín tiếp tục xin thù lao và chi phí hoạt động năm 2015 ở mức 2% lợi nhuận trước thuế (dự kiến là 3.000 tỷ đồng). Như vậy, ước tính Sacombank sẽ chi trả thù lao và chi phí cho các sếp khoảng 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng này còn tiếp tục xin cơ chế trích thưởng 20% nếu vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà đại hội đã giao sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ bắt buộc theo quy định cho năm tài chính 2015.

ngân

Sếp Sacombank nhận thù lao bình quân hơn 4 tỷ đồng.

Cùng với kế hoạch chia thưởng tiền tỷ cho lãnh đạo, Sacombank cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% năm 2014 cho cổ đông. Tuy nhiên, việc hiện thực hoá việc chia cũng như mức chia còn phụ thuộc vào ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (hiện tại chưa có quyết định). Ngoài ra, đến nay Sacombank vẫn chưa chia cổ tức năm 2013 ở mức 8% bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Một trường hợp trích thưởng khá cao cho lãnh đạo khác là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Trong năm qua, lợi nhuận nhà băng tăng hơn 60% và vượt 20% kế hoạch. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tuy không nhận thưởng thêm, song riêng thù lao cố định cũng chiếm hơn 32,1 tỷ đồng cho 12 thành viên. Năm 2015, với chỉ tiêu lợi nhuận cao hơn nữa, thù lao dự kiến sẽ chi khoảng 33,6 tỷ đồng.

Với các ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối, lợi nhuận thu về ở mức cao nên thù lao Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát cũng rất khả quan. Cụ thể, với Vietcombank, tổng mức thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2014 là 16,14 tỷ đồng, bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trung bình mỗi sếp được nhận 1,345 tỷ đồng một năm. Năm nay, Vietcombank vẫn giữ nguyên mức chi trả thù lao ở mức 0,35% lợi nhuận sau thuế.

Với Vietinbank, tổng số tiền lương, thù lao năm 2014 chi cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát là 18,169 tỷ đồng, bằng 0,32% lợi nhuận sau thuế. Với số lượng thành viên là 12 người, tính trung bình mỗi sếp được nhận 1,514 tỷ đồng.

Năm nay, Vietinbank đã đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 0,04% lợi nhuận so với năm trước. Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 5.694 tỷ đồng. Như vậy, thù lao chi trả dự kiến ở mức 20,498 tỷ đồng. Trong trường hợp bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị sẽ quyết định mức thù lao phát sinh thêm.

Với BIDV, năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo cao cấp được nâng từ 0,38% lên mức 0,44%, cao hơn các nhà băng cùng quy mô. Trong năm 2014, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng là 4.992 tỷ đồng và thù lao cho các thành viên cao cấp của nhà băng này là 0,38% trên lợi nhuận. Tính cụ thể, mỗi sếp của BIDV nhận 1,45 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng khác có kết quả hoạt động năm qua sa sút nhưng thù lao của các sếp vẫn không hề giảm. Điển hình là SouthernBank, kết thúc năm 2014, dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,08%), đạt trên 43.300 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên mức 5,89% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 (sau trích lập dự phòng rủi ro) chỉ là 1,2 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh như vậy, SouthernBank quyết định không chia cổ tức 2014 cho cổ đông (đây là năm thứ tư liên tiếp nhà băng không chia cổ tức), song Hội đồng quản trị thì vẫn nhận được thù lao cao.

Theo đó, trong đại hội cổ đông vừa qua, ngân hàng đề xuất được giữ nguyên mức thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là 13,7 tỷ đồng. Và năm 2015, các sếp SouthernBank tiếp tục xin cổ đông tăng mức thù lao lên 14,17 tỷ đồng.

Lý giải về mức thù lao khủng trong bối cảnh lợi nhuận thấp, và cổ tức cho cổ đông không có, lãnh đạo SouthernBank cho rằng, vì hoạt động ngân hàng khó khăn, đòi hỏi hoạt động quản trị và điều hành phải tăng cường nhiều hơn để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.

Một chuyên gia tài chính bình luận, trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đầy khó khăn và biến động, khoản thù lao chi trả cao cũng là nhằm khuyến khích Hội đồng quản trị và ban kiểm soát làm việc tốt hơn. "Tuy nhiên, mức thù lao cao phải đi kèm với kết quả hoạt động kinh doanh tốt. Vì không ai đi trả công cao cho người không làm được việc", ông nói.

Theo Vnexpress.net


 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến