Thế giới quốc hữu hóa ngân hàng như thế nào?
30/04/2015 10:58:59
ANTT.VN - Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chính sách mua lại các ngân hàng cổ phần thương mại với giá 0 đồng như một biện pháp để cứu các ngân hàng tránh khỏi phá sản. Tuy nhiên, trên thế giới, đây là một biện pháp không còn xa lạ và đã được chính phủ các nước áp dụng trong một số cuộc khủng hoảng hoặc để thực hiện mục đích chính trị của mình.

Quốc hữu hóa có thể được hiểu một cách đơn giản là Chính phủ nắm quyền kiểm soát các ngân hàng, có thể đền bù hoặc không. Nhà nước sẽ đưa ra quyết định về việc sắp xếp ban lãnh đạo, chiến lược hoạt động, cũng như kiểm soát cổ phiếu của ngân hàng đó.

 
U.S. (Mỹ)
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Mỹ đã tiến hành quốc hữu hóa một số ngân hàng thương mại, khiến nhiều ngân hàng ở trong tình trạng “quốc hữu hóa một nửa”, các ngân hàng sẽ nhận được tiền cứu trợ của Chính phủ nhưng phải chuyển giao một lượng cổ phần nhất định cho Chính phủ. Với chương trình này, Chính phủ có thể thúc đẩy được thị trường tín dụng bằng cách bơm thêm tiền cho các ngân hàng nếu cần thiết và quan trọng là, có thể ngăn chặn được tâm lý hoảng sợ và việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng từ người dân.
Phụ thuộc vào cách thức và mục đích quốc hữu hóa của từng quốc gia, chi phí cho giải pháp này sẽ có sự khác nhau. Đối với trường hợp của Mỹ, các chuyên gia tính toán cứ mỗi trợ cấp 100 tỷ USD của Chính phủ cho ngân hàng tương đương với khoản đóng góp 1,000 USD / người dân đóng thuế ở Mỹ. Tuy nhiên, rất ít ngân hàng được quốc hữu hóa hoàn toàn, và vấn đề khi cứu trợ các ngân hàng đó là chính phủ không thể tham gia kiểm soát toàn bộ mà chỉ một số những ngân hàng quan trọng.
Hy Lạp
Trong bối cảnh đất nước đang ngập trong nợ nần và có thể dẫn đến việc không thể hoàn trả các khoản vay quốc tế đã được ấn định với IMF, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ chuẩn bị kế hoạch quốc hữu hóa các ngân hàng.
Vào ngày 9/4/2015, Hy Lạp sẽ phải trả cho IMF khoản tiền 458 triệu euro, tuy nhiên, trong cuộc họp qua điện thoại mới đây, các quan chức Hy Lạp cho biết, đát nước đang cạn tiền và khó có thể thanh toán được những khoản vay, theo International Business Times.
Hiện nay, ngân hàng Quốc gia Hy lạp và Eurobank đều đang đứng trước nguy cơ sẽ bị quốc hữu hóa sau khi thông báo với Ngân hàng Trung ương Hy Lạp rằng họ không có khả năng tăng huy động vốn thông qua qua phát hành cổ phiếu từ các nhà đầu tư cá nhân và các chủ nợ quốc tế. Do vậy, NBG và Eurobank sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các quỹ hỗ trợ và Quỹ bình ổn tài chính Hellenic (HFSF). Theo kế hoạch tái cơ cấu vốn, một quỹ hỗ trợ thuộc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và HFSF sẽ cung cấp hầu hết vốn cần thiết cho 2 ngân hàng để đổi lại các cổ phiếu mới và trái phiếu chuyển đổi.
Venezuela
Tuy nhiên, việc “quốc hữu hóa” cũng có thể được sử dụng như công cụ cho mục đích chính trị của các nhà cầm quyền. Trong 14 năm đảm nhiệm chức vụ, các công ty dầu mỏ nước ngoài đã trở thành tài sản của chính quyền Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Ngày 7-5, vị tổng thống cánh tả này tuyên bố thực hiện kế hoạch quốc hữu hóa tài sản của các công ty dầu khí đang hoạt động tại nước này và quyết định này có hiệu lực ngày hôm sau, bắt đầu với các tàu thuyền và cảng tại khu vực hồ Maracaibo, một trọng điểm dầu mỏ trong nước. Ông Chavez đã từng phát biểu “Chúng ta đang lấy lại những tài sản này và chúng sẽ là của quốc gia”, theo hãng tin Bloomberg.  
Ngoài lĩnh vực dầu mỏ, Venezuela mong đợi nhiều hơn trong việc “thôn tính” các lĩnh vực khác, đặc biệt là ngân hàng. Tổng thống Chavez đã từng “đe dọa” sẽ đặt toàn bộ ngân hàng tư nhân của nước này dưới sự kiểm soát của Nhà nước, nếu các ngân hàng không thực hiện nhiệm vụ của mình. Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Caracas đóng cửa 4 ngân hàng do phát hiện nhiều vấn đề tài chính nghiêm trọng. Ông H.Chavez tuyên bố, nếu cần thiết, bắt buộc chính phủ sẽ tiếp quản toàn bộ các ngân hàng tư nhân ở Venezuela.
Hiện nay, hơn 70% các ngân hàng ở Venezuela thuộc về tư nhân, song Nhà nước nắm vai trò chủ chốt trên thị trường tài chính kể từ sau khi tiếp quản Ngân hàng Banco de Venezuela, chi nhánh của Tập đoàn tài chính - Ngân hàng Santander của Tây Ban Nha vào năm 2010.
Ấn Độ
Hệ thống các ngân hàng quốc hữu hóa có một vai trò then chốt trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ, đồng thời đóng góp không nhỏ cho sự phát triển toàn kinh tế của quốc gia này.
Năm 1955, ngân hàng Imperial Bank của Ấn Độ đã được quốc hữu hóa và đặt lại tên t thành Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (theo Đạo Luật SBI, 1955). Sau ngày 19/7/1960, 7 nhánh con của Ngân hàng Nhà nước là Hyderabad (SBH), Indore, Saurashtra (SBS), Mysore (SBM), Bikaner và Jaipur (SBBJ), Patiala và Travancore (SBT) cũng đã được quốc hữu hóa với lượng tiền gửi hơn 200 crores.
Ngày 19/7/1969, tiếp tục 14 ngân hàng thương mại đã được quốc hữu hóa.
Năm 1980, nhằm tạo cho chính phủ nhiều quyền lực hơn trong việc kiểm soát tín dụng, thêm sáu ngân hàng thương mại ở Ấn Độ đã được quốc hữu hóa. Trong năm 1993, New Bank đã sáp nhập với Ngân hàng Quốc gia Punjab (PNB), đây cũng là lần sáp nhập duy nhất giữa hai ngân hàng quốc hữu hóa Ấn Độ. Trong những năm sau đó, các ngân hàng quốc hữu ở Ấn Độ đã có một tốc độ tăng trưởng khoảng 4%, gần với tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế đất nước.
Việt Nam
Hiện nay, với mục tiêu tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, Việt Nam cũng đã áp dụng chính sách “mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng”. Biện pháp cũng có thể được hiểu là “quốc hữu hóa” về mặt kỹ thuật, tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau về mặt chính sách.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng nói rằng, “Quốc hữu hóa là Chính phủ sẽ mua đứt hoặc đầu tư toàn bộ vào một ngân hàng nào đó để thực hiện chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trường hợp này ở Việt Nam có thể không phải vì chính sách tiền tệ mà là để cứu ngân hàng, không muốn cho ngân hàng phá sản. Hay nói đúng hơn, mua lại ngân hàng này là để giải quyết sự vụ phát sinh không nằm trong kế hoạch tổng thể tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.”
Theo ông, giải pháp này là cách duy nhất để giải quyết một số ngân hàng yếu kém ở Việt Nam, bởi có ngân hàng đã lỗ tới mức không tổ chức nào dám mua lại. Để tổ chức khác mua lại, ngân hàng vẫn phải ở trình trạng vốn dương và đang còn hoạt động.

“Trên thực tế, với một ngân hàng hay doanh nghiệp, nếu vốn điều lệ về mức 0 là phá sản rồi, đằng này, một số ngân hàng lại còn bị âm vốn điều lệ, thì trên thực tế là đã bị phá sản về mặt kỹ thuật,” theo một chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra của Ngân hàng TMCP Đại Dương - Ocean Bank (OJB), đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo về việc sẽ mua lại nhà băng này với giá 0 đồng. Như vậy, đây là lần "quốc hữu hóa" thứ 2 trong năm của NHNN đối với một TCTD. Trước Ocean Bank, đầu tháng 2/2015, NHNN cũng đã mua lại với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) đối với Ngân hàng Xây dựng (VNCB), qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
Quốc hữu hóa ngân hàng có chấm dứt khủng hoảng?
Phần lớn các chuyên gia cho rằng quốc hữu hóa chỉ là biện pháp tạm thời, bởi tính hiệu quả của nó chưa rõ ràng. Nhìn chung trên thế giới, các ngân hàng chịu sự quản lý của nhà nước vì 2 lý do: vì cơ chế quản lý, kiểm soát kinh doanh như ở Trung Quốc, Nga, Bắc Phi, Nam Phi…, hoặc bởi một cuộc khủng hoảng trầm trọng khiến Chính phủ phải hành động, như trong các trường hợp ở Thụy Điển và Indonesia những năm 1990, ở Anh và Scotland năm 2008. Pháp đã từng quốc hữu hóa lĩnh vực ngân hàng, sau đó lại tư nhân hóa bằng cách bán cho các cá nhân, và có thể sẽ lại quốc hữu hóa khi tình hình xấu đi.
Thúy Anh (TỔNG HỢP)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến