Dòng sự kiện:
Thu ngân sách cuối năm còn gặp nhiều rủi ro
23/10/2020 14:36:35
Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm thu ngân sách còn gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp căn cơ để phấn đấu cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách đã đề ra.

Doanh nghiệp gặp khó do dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách (ảnh sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/2020).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề đã tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm thu ngân sách còn gặp nhiều rủi ro.Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp căn cơ để phấn đấu cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách đã đề ra.

Số Thu thuế, phí đạt thấp nhất trong nhiều năm qua

Theo Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng ước đạt 975.355 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 833.105 tỷ đồng, bằng 66,4% dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019 (thu dầu thô ước đạt 27.516 tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán; thu nội địa ước đạt 805.589 tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán). Tổng thu NSNN do cơ quan hải quan quản lý ước đạt 227.933 tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán.

Kết quả thu thuế, phí 9 tháng năm nay đạt thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ. Nhìn lại thời điểm 9 tháng năm 2016 thu đạt 69,7% mức thu cả năm, tăng 12,1% so cùng kỳ; 9 tháng năm 2017 tỷ lệ này tương ứng đạt 69,9%, tăng 7%; 9 tháng năm 2018 đạt 71,6%, tăng 15,2%; 9 tháng năm 2019 đạt 72%, tăng 14,9%; 9 tháng năm 2020 đạt 61,6%, giảm 8,1%.

Nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 28/5/2020, hỗ trợ người nộp thuế gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ, đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách từ tháng 4 đến nay.

Bộ Tài chính nhận định, thu thuế, phí năm 2020 giảm lớn so với dự toán do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; đồng thời Nhà nước thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí của năm 2020 khoảng 18.780 tỷ đồng.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, các quốc gia thuộc khối châu Âu... tác động trực tiếp đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, dẫn đến giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn. Từ đó, tác động đến tình hình thu NSNN, làm giảm thu 35.279 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tại thời điểm xây dựng dự toán, giá dầu thô được dự báo đạt 60 USD/1 thùng. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2020, giá dầu thô xuống dưới 40 USD/1 thùng đã làm giảm đáng kể nguồn thu NSNN.

Sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý thu

Với mức đánh giá thu 2020 nêu trên thì thu ngân sách 3 tháng cuối năm 2020 vẫn còn nhiều rủi ro.

Đợt dịch Covid-19 thứ hai xảy ra ở các trung tâm kinh tế trọng điểm (Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...). Đồng thời, các đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam đến nay vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, di chuyển của chuyên gia, nhà quản lý, người lao động đến Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp thua lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam dự kiến lỗ năm 2020 khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 mới hết lỗ (năm 2019 thu nhập tính thuế là 2.340 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 468 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 6 tháng đầu năm lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến quý III/2020 tiếp tục lỗ hơn 500 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 1.595 tỷ đồng, không phát sinh thuế thu nhập doanh  nghiệp); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 6 tháng đầu năm lỗ khoảng 220 tỷ đồng (năm 2019 thu nhập chịu thuế là 1.148 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 229 tỷ đồng)... Theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, số lỗ này sẽ được trừ vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp NSNN.

Cùng với đó, một số ngành trọng điểm có đóng góp số thu lớn cho ngân sách 9 tháng giảm sâu so với cùng kỳ như thủy điện, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý thu.

Trong đó, đặc biệt chú ý ở các địa bàn trọng điểm, khu vực kinh tế phi chính thức, các khoản theo hình thức thu khoán. Đồng thời, kết hợp việc khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế), với việc đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng dưới 5% tổng số thu NSNN.

Các đơn vị trong ngành Tài chính cũng sẽ thường xuyên tổ chức giao ban giữa các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả hơn đối với các lĩnh vực, địa bàn có số thu còn tồn đọng lớn; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, chú trọng việc thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; tăng cường quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, sân bay, cảng biển, trong đó tập trung kiểm tra về trị giá, mã số, xuất xứ đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn... Đây chính là các giải pháp căn cơ để nhiệm vụ thu NSNN trong giai đoạn vừa qua đạt được những kết quả quan trọng, do đó, sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Tác giả: Minh Anh
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến