Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/7 cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng so với quý trước.
“Điều này khác với xu hướng bình thường như quan sát được qua nhiều năm nhưng là dấu hiệu tích cực khẳng định sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Thu nhập biến động khác biệt những năm trước
Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206.000 đồng so với quý I/2022.
Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.
Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.
Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.
So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542.0000 đồng.
So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
5 tỉnh, thành có thu nhập bình quân cao nhất
Thu nhập bình quân tháng của lao động tại các vùng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt. So với cùng kỳ năm trước, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất.
Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận có tốc độ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội so với cùng kỳ năm 2021, với mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 620 nghìn đồng.
Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế là các địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân đáng kể nhất.
So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động tại Đà Nẵng là 7,3 triệu đồng, tăng 9,7%, tương ứng tăng khoảng 643 nghìn đồng; lao động làm việc tại Khánh Hòa có mức thu nhập bình quân là 6,2 triệu đồng, tăng 15,5%, tương ứng tăng khoảng 828 triệu đồng; lao động làm việc tại Thừa Thiên Huế có mức thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 778.000 đồng.
Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại.
So với cùng kỳ năm trước, mức thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ là 8,5 triệu đồng, tăng 8,5%, tương ứng tăng khoảng 480 nghìn đồng. Trong đó, thu nhập của lao động tại Tp.HCM, Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước, với mức thu nhập tương ứng là 9,1 triệu đồng/người/tháng và 8,9 triệu đồng/người/tháng.
Lao động làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng có thu nhập là 7,7 triệu đồng/người/tháng, là vùng có tốc độ tăng thu nhập khá so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 790 nghìn đồng/người/tháng.
Lao động làm việc tại Hà Nội, Bắc Ninh có mức thu nhập bình quân nằm trong số 5 tỉnh, thành phố có mức thu nhập cao nhất cả nước. Cụ thể, thu nhập của lao động tại Hà Nội là 8,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8%, tương ứng tăng khoảng 704.000 đồng; lao động tại Bắc Ninh có mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Quý II cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818.000đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928.000 đồng; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%, tương ứng tăng 572.000 đồng.
Ngay cả ngành gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu như ngành Vận tải kho bãi cũng có mức tăng trưởng thu nhập khá, đạt mức 8,9 triệu đồng trong quý II/2022, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy