Tin liên quan
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi họp báo
Sáng nay (10/3), Bộ GTVT tổ chức họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thuộc Dự án thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe. Hệ thống này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhằm đánh giá công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí thử nghiệm trước khi tiến tới áp dụng trên toàn bộ hệ thống đường bộ của cả nước.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay trên các tuyến quốc lộ có rất nhiều trạm thu phí, việc sử dụng công nghệ thu phí một dừng như hiện nay gây ắch tắc giao thông, đồng thời phải huy động một lượng lớn nhân viên thu phí, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các đơn vị, do chi phí quá lớn.
Bộ GTVT đã lựa chọn công nghệ thu phí không dừng, để đi tắt đón đầu đồng thời tiếp cận được công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới đang sử dụng...
Nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí không dừng (ETC) theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến do Mỹ phát triển. Công nghệ có ưu điểm như: thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện nhanh, kết quả thu phí chính xác và dễ được chủ phương tiện giao thông chấp nhận do thẻ được cấp miễn phí.
Ngoài ra, tại các trạm thu phí tự động còn áp dụng công nghệ cảm biến để cân tải trọng khi xe đi qua với độ chính xác đạt 98%. Thông tin về tải trọng phương tiện sẽ hiển thị ngay trên bảng điện tử đặt bên lề đường. Các xe quá tải sẽ được cảnh báo tình trạng và được lập danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo.
Các phương tiện được qua trạm thu phí mà không phải dừng xe
Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco - chủ đầu tư trạm thu phí không dừng, áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí thì sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé.
Ngoài ra, hệ thống này sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm, tiết kiệm tiền lương nhân viên thu phí, lương lái xe và thời gian chờ đợi cho người tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm. Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng là 3.400 tỷ đồng/năm.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động này, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻ định danh (E-tag) miễn phí dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền trực tiếp, qua mạng, qua ngân hàng... Sau khi xe đã được dán thẻ chạy vào làn thu phí, hệ thống sẽ nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và phát tín hiệu để đọc thẻ E - tag.
Nếu tài khoản của xe đủ điều kiện qua trạm, thanh chắn sẽ mở tự động để xe đi qua, đồng thời thông báo trừ tiền qua tin nhắn điện thoại. Trường hợp tài khoản của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag thì chủ xe phải mua vé qua trạm.
Theo baogiaothong.vn
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy