Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó gấp rút chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm tiếp theo. Bộ cũng chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm các trường lợi dụng chủ trương “xã hội hóa giáo dục” để lạm thu.
Trước thềm năm học mới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ về những nội dung này.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong năm học mới 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo như thế nào để kiểm soát tình trạng lạm thu trong các trường?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Chủ trương xã hội hóa giáo dục là một chủ chương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng rất là trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm đóng góp của các phụ huynh, mạnh thường quân giúp cho giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.
Tuy nhiên, đã xảy ra một số trường hợp áp đặt, rồi gọi là tự nguyện bắt buộc gây ra nhiều phản cảm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản, đặc biệt là năm 2017 vừa qua, nhiều văn bản đã chỉ đạo về công tác thu chi tài chính và các tỉnh, thành phố đã văn bản hóa bằng các quy định ghi rõ những khoản này thì được thu, khoản này thì không được thu.
Bộ vừa ban hành văn bản số 3403- đó là văn bản chỉ đạo về các công việc chuẩn bị đầu năm, trong đó nhấn rất mạnh về việc là các nhà trường thực hiện đúng theo quy trình xã hội hóa và tuyệt đối tránh trường hợp lạm thu, gây bức xúc trong xã hội.
Như những năm trước, khi xảy ra những trường hợp sai phạm, cá nhân nào sai phạm cá nhân đó phải chịu trách nhiệm, nhưng thực sự Bộ GD&ĐT cũng không muốn là phải xử lý những trường hợp như vậy để ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
PV: Có ý kiến cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng lạm thu là do ngân sách cấp cho các trường không đảm bảo nguồn tối thiểu. Có nên chăng ở những nơi có điều kiện phù hợp thì nên đổi mới cơ chế quản lý theo hướng là tăng quyền tự quyết không thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Đấy cũng là một việc mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo với Bộ về xây dựng Nghị định về tự chủ trong các trường phổ thông, có sự phân cấp, phân quyền và phân trách nhiệm cho các nhà trường.
Dù ngân sách Nhà nước chưa thật đầy đủ để đáp ứng những yêu cầu, Nhà nước vẫn khuyến khích các nhà trường phải vận động sự đóng góp của nhân dân nhưng không phải là chia đều. Nếu những ai có điều kiện tham gia đóng góp, nhà trường vẫn có cơ chế để tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí đó một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định của quy chế công khai Bộ đã ban hành.
PV: Thưa ông, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới với bậc phổ thông sẽ được Bộ hướng dẫn và tập huấn đội ngũ giáo viên như thế nào trong năm học này?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Hiện nay Bộ đang tích cực xây dựng Chương trình và trong năm nay, cố gắng ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện Bộ đang triển khai tập huấn để viết sách giáo khoa cũng như hướng dẫn thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, Bộ nhận thấy, cần phải tập huấn thực hiện việc đổi mới giáo dục phổ thông ngay từ chương trình hiện hành cho nên Bộ đã ban hành Văn bản 4612 và có điều chỉnh bằng văn bản 5131 với 4 đổi mới.
Đổi mới về tự chủ chương trình, thực hiện chương trình nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, dạy học theo linh hoạt, không phải chỉ dạy học trong 4 bức tường mà dạy học ở các nơi có điều kiện, giúp cho học sinh được trải nghiệm, được sáng tạo và qua đó thì hình thành phẩm chất và năng lực.
Đổi mới cách đánh giá để phù hợp với thực tiễn và đặc biệt là đổi mới công tác quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền và quản lý chất lượng. Thông qua đổi mới đó giáo viên cũng bắt đầu tiếp cận với những yêu cầu và khi có chương trình mới thì không bị bất ngờ, không bị bỡ ngỡ.
PV: Hiện Bộ vẫn chưa ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn chỉnh và chương trình các bộ môn cũng chưa hoàn thiện. Liệu Bộ có thể kịp triển khai chương trình mới vào năm sau hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Hiện nay việc biên soạn chương trình đang vào giai đoạn cuối cùng, thẩm định và làm văn bản quy phạm pháp luật cho nên cũng phải cần rất thận trọng khi ban hành. Đây chỉ là khâu rà soát thôi, còn lại thì về tất cả những hội đồng thẩm định quốc gia cũng đã thẩm định và cũng đã đánh giá bước đầu là thấy chương trình đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho nên chúng tôi nghĩ là nếu như sớm được ban hành trong thời gian gần đây- một vài tuần thì sẽ có thể vẫn kịp tiến độ cho chương trình thực hiện theo kế hoạch mà Quốc hội đã cho phép.
PV: Vấn đề cơ sở vật chất sẽ được chuẩn bị như thế nào khi nhiều địa phương nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... quỹ đất thì có nhưng điều kiện trang thiết bị lại kém?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Theo phân cấp, UBND các tỉnh, thành phố sẽ có những giải pháp phù hợp, xây dựng quy hoạch mạng lưới phù hợp để đáp ứng đối với yêu cầu này.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16 chỉ đạo cho các đơn vị, các tỉnh, thành phố các bộ ngành quan tâm cùng chung tay, giúp cho việc triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông một cách phù hợp và hiệu quả.
Các địa phương từng bước sẽ có những phương hướng giải quyết phù hợp về cơ sở vật chất. Trên tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông theo lộ trình thời gian, tạo điều kiện cho các địa phương có giải pháp để bố trí phù hợp theo từng thời điểm.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Theo VOV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy